Thứ Ba, 1 tháng 6, 2010

Chuyện xưa kết đi*

1.Rau má xay bây giờ bán ở Tô Tịch chắc 10 ngàn một cốc. Bọn con gái dũng cảm bỏ qua những cốc sinh tố ngon lành để uống rau má cho mát, nước rau má ngai ngái nhưng lành, uống xong rồi ngẫm nghĩ thấy mát như kem.

Rau má ngày xưa mọc ở bờ ruộng, lá tròn xanh như lá sen thu nhỏ, chỉ to hơn đồng xu 5 nghìn một tý, khi mưa xuống thân lá rau má mỡ màng, lá cũng xanh mướt xoè to hơn rung rinh như cái ô tý hon. Những chỗ nào đất thịt, gốc cây cũng to hơn mập mạp, gồm 3 đến 4 nhánh, bọn trẻ con cầm liềm nạy khẽ một cái lên cả tảng, giũ giũ đất và cỏ, gốc cây hiện ra màu trắng hồng, hơi giống thân giá đỗ. Những hôm nghỉ học bọn trẻ con đi kiếm rau má, rau má luộc, rau má muối dưa ăn hay hay, bán được một trăm đồng một bó.
Bây giờ cái chỗ đất kiếm rau má ngày xưa ấy người ta san lấp mở rộng trường SP, chẳng còn ruộng đâu, đi chợ thấy người ta vẫn bán rau má, cái thứ rau dại ấy vẫn sống ở đâu đó. Sau này đi học có nhiều bạn bè bốn phương, thỉnh thoảng thấy người ta nói dân TH ăn rau má phá đường tàu.. nó lại thấy buồn cười.

2. Mẹ có một chị gái. Hai vợ chồng bác là kỹ sư xây dựng, cả đời đi khắp trong Nam ngoài Bắc cũng chẳng bon chen được mấy, may sao số rùa được phân một lô đất ở con đường mới đắt nhất TP, thế cũng thành khá giả. Cả nhà mừng. Con nghe chuyện nhớ tới anh chị con bác ngày xưa học sinh tiên tiến cũng được nhiều quà 1.6, bọn con học sinh giỏi chẳng được cơ quan bố mẹ cho đi chơi đâu thì buột miệng bảo "chỉ có nghề giáo viên là chẳng bao giờ có cơ hội gì cả mẹ ạ" Mẹ thở dài bảo ừ. Nhớ ngày xưa Tết đến cơ quan người ta còn được chia thịt, trường học thì Tết vắng teo. Tết cũng chẳng có gì.
Có lẽ vì thế mà lớn lên, cả hai đứa chẳng đứa nào theo nghề mẹ, mặc dù không phải không luyến tiếc bỏ lại tờ giấy báo điểm Sư phạm mỏng manh như tóc mai con gái "Chúng tôi vui mừng thông báo.." con bây giờ vẫn giữ đấy. Năm đầu tiên đi làm được một cục tiền Tết con ngỡ ngàng nhìn cảnh bạn bè mẹ có con học SP ra trường cạy cục người ta một chỗ hợp đồng không lương, nghĩ thôi yêu thì cũng để trong lòng.

Bây giờ ngoảnh lại chẳng biết là đã đúng hay sai, chỉ biết là có số phận cả rồi. Đời là một dòng chảy mình chỉ có thể đứng nhìn thôi chứ sao ngăn hết được. Nghĩ tới những đứa bạn cùng lớp ngày xưa vẫn vi vu tận trời tây, người lớn hỏi sao chúng nó mê mải kiếm tiền kiếm bằng cấp gì nhiều thế mà không ổn định đi thì thương cái thân mình, đi làm bao nhiêu năm có dành được gì đâu mà vẫn "hát đơn ca". Đi học đi làm, quay cuồng với bao vấn đề của một người trẻ trong thời buổi dở dở ương ương, hiện đại chẳng ra hiện đại lạc hậu chẳng ra lạc hậu. (Tác giả cắt bỏ 25 chữ ...) Ôi những người lớn, có những khi sợ làm tổn thương nhau mà cuối cùng thành tổn thương tất cả.Cho dù có xung khắc thế nào thì trong những thời điểm nguy khó, mẹ vẫn luôn là bạn và ủng hộ con thôi. Điều đơn giản đấy sao bây giờ mới biết?

3.Tôi có thể ngồi xuống đây được không? Dạ vâng, được ạ. Người đàn ông lớn tuổi, quắc thước sau khi ngồi xuống chiếc ghế đá ven hồ chìa cho tôi túi mận và hỏi: Cô có ăn không. Dạ không, ông cho cháu hỏi cây lộc vừng chín gốc cạnh hồ Gươm là ở góc nào ông nhỉ? Tôi không biết, cô ạ. Tôi đi khỏi đây 60 năm và mới về hôm qua.

60 năm, con số nghe được làm tôi há hốc mồm. Hẳn là có những biến cố kinh khủng lắm mới bứt con người ta đi khỏi một nơi dài lâu đến thế. Và tôi, một con bé nhà quê trong đầu những ngày này đầy ắp quá khứ hào sảng của một Việt Nam anh dũng chiến thắng trong chiến tranh, tự tin vươn dậy trong đổi mới đã háo hức hỏi rằng: Ông ơi, vậy ông thấy qua 60 năm ở đây thay đổi ntn? Câu trả lời bất giác làm đau lòng: "Quá chậm" Người đàn ông nói như thương xót. Mình mất 30 năm chiến tranh mà ông. "Tôi biết" Giọng nói hình như có nước mắt. "Nhưng thiệt thòi, thiệt thòi quá cô ạ"

Câu chuyện giữa tôi và ông lão 80 tuổi, nguyên sỹ quan quân lực VN cộng hòa đã bắt đầu như thế. Ông rời khỏi đây sau 45, sống 27 năm ở SG, khi giải phóng MN năm 75 thì xuống tàu cùng 1vợ và 8 con sang Mỹ. Ở Mỹ hơn 30 năm, người VN này quen ăn đồ ăn Macdonal rồi. 8 người con của ông trưởng thành, đi làm, sống riêng. Tôi chỉ đến chỗ chúng vào dịp weekend. Các con của ông có nói tiếng Việt không? " Có đứa nhớ, có đứa không" Khi nào muốn ăn đồ ăn Việt thì order cho họ mang tới. Tự do lắm cô ơi. Thực lòng, ông có thích cuộc sống như vậy không? " Thực lòng trước đây tôi không thích, nhưng bây giờ thì tôi thích rồi. Con tôi mua cho 2 chiếc xe hơi, tôi đi khắp nơi" Vậy sao bây giờ ông mới về Việt Nam? "Tôi còn ai ở đây đâu cô, họ sang Mỹ cả rồi". Vậy tại sao ông lại chọn thời điểm này (30/4) để trở về VN? Tôi đi cùng bà chị tôi, người ta nói bây giờ thời tiết đang mát. Vậy thôi cô ơi. Tôi bây giờ đã 80 tuổi, có tiền retired, chẳng quan trọng chuyện chính trị, nhưng cuộc sống của bà con mình khổ quá. Tôi sẽ ở đây 1 or 2 tuần thôi, rồi tôi về. Đến tháng 7 con trai tôi sang Đức làm WorldCup thì tôi đi theo, con trai tôi làm cho đài VOA, cô có nghe VOA bao giờ không? sang đó, trận nào hay thì tôi xem, vé ngàn bạc đó cô.
Cuộc trò chuyện 2 tiếng đồng hồ với người đã từng bên kia chiến tuyến làm tôi chợt nhớ lá thư của một người bạn gửi về từ P " Hôm qua, em mới cãi nhau với một loạt TS và nghiên cứu sinh mới sang. Chúng nó chỉ nhìn thấy hiện tượng mà không thấy bản chất, chúng nó chỉ thấy người ta tốt còn nước mình xấu, người ta tuyệt vời còn mình nghèo nàn" K à, hôm đó chị cũng đồng ý với em. Nhưng hôm nay một ý nghĩ chợt đến: có phải chúng ta đã ngủ quên trên chiến thắng mà không biết rằng thế giới đã tiến như thế nào? có phải là thành công của quá khứ đã giữ chân chúng ta, thành công giữ chúng ta còn nhiều hơn cả thất bại?
4. Ba mẩu trên ở trong một diễn đàn, đọc lại thấy như mới, ngượng quá, hóa ra mình đã có những lúc như thế ư, đúng là trẻ dại. Nhiều khi đọc nhật ký của mình cứ như đọc trộm của ai, thật là ngượng. Vì thế mà buông tay không save cái blog 360 viết trong mấy năm liền, friend list khoảng 10 người, bây giờ mới tiếc, những khoảnh khắc đi qua thì có trở lại bao giờ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét