Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2010

28/6

1. Mẹ tôi là một phụ nữ thẳng thắn và cứng rắn. Cuộc đời từ lúc lấy chồng sinh con hầu hết chẳng được nhờ nhà chồng. Tôi lớn lên chứng kiến mẹ be bờ đắp đập xây đắp gia đình từ việc nuôi con đến việc lao động chân tay đổi lấy chỗ đất cắm dùi. Ngày nhỏ tôi với mẹ luôn khắc khẩu. Mẹ bảo thủ, áp đặt còn tôi thì quá độc lập. Có lần tình cờ tôi đọc nhật ký của mẹ, tôi biết mẹ là người vô cùng lãng mạn.

2. Tôi không có nhiều lời để nói về bố. Ông là một người tốt hiếm có nhưng thiệt thòi. Những năm cuối, ông làm quản đốc ở một phân xưởng cơ khí èo uột, hàng ngày đi làm bằng một chiếc xe khung dựng tối giản các bộ phận. Ngày đưa tiễn ông về thế giới bên kia là một ngày trời nắng gay gắt, đó là đám tang một người dân bình thường đông nhất mà tôi từng biết.

3. Tôi lớn lên, trưởng thành. Thẳng thắn, quyết liệt, bảo thủ, vụng về giống mẹ. Kín đáo, điềm tĩnh, cam chịu, kiêu hãnh, tự ti, thà chết chứ không làm phiền người khác giống bố. Cả hai bố mẹ tôi đều thích đọc sách Có lúc tôi nhận ra mình thiếu nhiều kỹ năng mềm trong cuộc sống, nhưng thôi không sao, không ai hoàn hảo, nhìn chung là tôi chấp nhận được.

4. Tôi có một thèng em trai nhỏ hơn 6 tuổi. Điều tôi không hài lòng nhất ở nó là nó không có nhiều khát vọng như tôi mong muốn. Gần đây tôi không nói chuyện với nó nhiều. Nhược điểm lớn nhất của cả nó và tôi là không chia sẻ. Nhưng tôi vẫn ở đây chờ nó gọi đến, bởi vì, bạn biết đấy, có em là một hạnh phúc, tôi lúc nào cũng vui vì mình được phân vai chị trong cuộc đời.

5. "Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn.." Không biết đến bao giờ thì tôi hiểu rằng ai có lý. Bởi xã hội vận động thay đổi, hôm nay là như vậy, ngày mai lại khác đi mất rồi, chỉ có những giá trị gia đình là thiêng liêng bền vững, chỉ có gia đình là "am thất" để tu tập, sửa mình, sống hiếu thuận và tốt hơn chính bản thân mình ngày hôm qua.

6. Tôi không biết sao tự nhiên lại chọn ngày 28/6 làm ngày Gia đình Việt Nam. Tôi không thích nhìn các gia đình tham gia các cuộc thi, trên đó người ta diễn và hóa trang nhiều quá. Tại sao không chọn ngày 23 tháng Chạp??? để kỷ niệm ngày gia đình và nhắc tới sự tích Táo quân. Tại sao không chọn lấy một ngày gần Tết âm lịch, ngày mà những đứa con có đi xa cũng muốn quay về???

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2010

Lảm nhảm càm ràm ba lăng nhăng lằng nhằng bắng nhắng

Khởi động hè thôi!
Bình minh trên biển Kiên Giang

Người Khơ me

Đền Mạc Cửu

Hang Đá Dựng

Hòn Phụ tử


Lần đầu tiên lôi ảnh từ photobucket về máy rồi lại úp lại, nó có lộ cộ tý cũng phản ánh trung thực người bốt, các bạn thông cảm "cầm xài đỡ", dị đi nghen.
........................................

Một ngày. Lúc chiều ấy, đi về nhà thì trời vẫn còn sáng, chẳng có bóng tối để buồn cho "đúng điệu". Buồn ngơ ngơ. Biết là xã hội vẫn chẳng ra cái gì nhưng có một viên sỏi lọt vào trong giày cũng làm đau chân.

Một ngày. Cuối cùng đã đọc xong "Suối nguồn" (Vừa gõ nhầm là Tiếng người), thật là bằng anh bằng em quá đi, he he.

Một ngày. Bạn cũ gặp nhau vui hết biết. Thời gian mới đó mà quá xa xôi. Mười lăm năm trước chúng ta còn trong sáng như tờ giấy trắng. Mà cuộc đời nó vô tư vẽ lên tối sáng đậm nhạt khuất nẻo quanh co. Nếu mà không ngồi ôn lại từ sáng đến chiều thì không nhớ, mà ôn một cái là kỷ niệm như lớp sơn tường vừa quét lên, sờ tay còn như mới. Tưởng tượng mười lăm năm sau nữa mới gặp thì tóc chắc muối tiêu cả rồi, hu hu. Bạn cũ nói nhiều chuyện, những chuyện mà vợ chồng các bạn không nghe được, thế nên gặp nhau là chỉ có bọn mình thôi, domestic friend, he he. Bạn cũ nói nhiều chuyện, những chuyện mà không nói cho người ngoại đạo được, cả thập kỷ đi làm 6 đứa thì đến 4 có sếp trực tiếp "vào kho", he he. Như thường lệ, mình không uống chỉ biết rót, ngồi nghe nhiều hơn, rượu vào lời ra chúng nó rút điện thoại ra luyên thuyên đầu dây bên kia thường bảo cho tao gặp con tỉnh - là mình, chúng nó bảo ngố quá, lúc nào cũng tỉnh, ngày xưa ra trường thế nào bây giờ y thế có xã hội hóa đâu mà khá lên được. Hờ hờ các bạn cứ miệt mài phấn đấu giờ cũng được cái chức quan bé như hạt vừng ròi, tớ vắt chân chữ ngũ ngồi đấy sau này làm vợ lãnh đạo thoai, bất tài vô dụng thì I dreamed a dream.

Một ngày. Kế hoạch đầu tháng 7 đi Côn Đảo, thông tin kiến thức đã kha khá, đạn dược cóp nhặt hòm hòm, đơn nghỉ phép trong máy tính đã sửa ngày thì đùng một nhát con bạn thẽ thọt em không đi nữa đâu. Điên hết cả người. Chả nhẽ một mình ra đấy chơi với ma. May quá đến hôm nay có chương trình thay chỗ, chứ không chết vì chán. Đã tượt 2 lần Côn Đảo rồi, không biết các cụ có giận gì cháu không.


World Cup như dở hơi. Cảm ơn các cầu thủ, huấn luyện viên, Ban tổ chức, nước chủ nhà vì em đỡ phải xem.

Xét đến cùng thì cuộc đời vẫn tiếp tục đẹp.
Một ngày
Có thêm nè:

doquanghuy611: Duong oi
doquanghuy611: hom truoc goi tao co viec gi khong
doquanghuy611: dao nay the nao
doquanghuy611: co gi moi chua
doquanghuy611: cong viec, tinh yeu
nguoilavuaden: hôm đấy gọi nhờ cho gặp cái thằng Hoàng Hà gì đấy học thi Ai eo
nguoilavuaden: nhưng hôm nay tao không học nữa rồi
doquanghuy611: the ah
doquanghuy611: Hai ha
doquanghuy611: Hai Ha
doquanghuy611: uh
doquanghuy611: neu can hoc thi alo
nguoilavuaden: mịa
nguoilavuaden: việc học cần kíp mà gọi nửa tháng mày mới nghe máy còn nói chuyện gì
doquanghuy611: can kip gi ma sao khong thay goi lai
doquanghuy611: ban qua hom nay kiem tra may moi thay cuoc goi nho cua may
nguoilavuaden: có lúc nào mày không bận không nhỉ
nguoilavuaden: đọc blog tao không
doquanghuy611: gui di
doquanghuy611: lau roi tao co bloc bliec gi dau
nguoilavuaden: nhưng mày có thời gian comment không nhỉ
nguoilavuaden: vì có người muốn đọc cũng khó
nguoilavuaden: trong khi đó cứ mời mấy đứa bọn mày, có lần mời thằng Văn, nó còn từ chối.
nguoilavuaden: ha ha


doquanghuy611: thi cu moi di
doquanghuy611: may chon doi tuong doc la dung day
doquanghuy611: hom truoc tao tu duong nghi den lop minh
doquanghuy611: trong do co may
doquanghuy611: tao tung nghi may se la mot nha van
doquanghuy611: nha viet gi do
doquanghuy611: nhung khong ngo lai la mot...
doquanghuy611: chang thay an nhap ti nao
doquanghuy611: y nghi cua tao that vo duyen

nguoilavuaden: thật hả

doquanghuy611: Vi noi thuc neu hoi tao ghet ai nhat tren doi
doquanghuy611: thi tao noi la tao ghet cai nghe cong an
doquanghuy611: uh
doquanghuy611: tao cu tuong tuong may mac mot bo quan phuc
doquanghuy611: so sanh voi mot nu nha van nha bao nao do
doquanghuy611: thay khong so sanh noi nua
doquanghuy611: vi su thuc thi may la...
doquanghuy611: con cai nha van nha bao tao nghi den lai co mot chut gi do manh me, chut gi do dam dan than, dam viet va viet nhung van de gai goc
doquanghuy611: co ve giong tinh cong an
doquanghuy611: nhung khong phai cong an
doquanghuy611: ha ha

nguoilavuaden: ha ha
nguoilavuaden: bạn mình có đề cao mình quá không
doquanghuy611: cuoi tuan rang ghe qua nha tao choi
doquanghuy611: tao di ve day

doquanghuy611: bb
nguoilavuaden: lớp mình có thằng Khanh ngày nào cũng đọc blog tao
nguoilavuaden: để tao bắn link đã
nguoilavuaden: rồi hãng về

Thứ Ba, 15 tháng 6, 2010

Hãy đi đừng ngại ngần

Lúc chen lên xe số 7 để đi ra Nội Bài về lại Sài Gòn, bạn đã bị mất laptop. Nghe tin, mình ân hận quá, không phải vì mình đã không đi cùng bạn mà vì mình luôn nói với bạn rằng đi xe buýt cũng hay, dù người đón luôn chờ bạn gọi để đưa bạn trở lại.

Mình không biết rằng bây giờ xe buýt không vào tận sân bay nữa, nó đỗ ở ngoài và phải đi xe ôm mới vào được trong.

Nhưng vì thế mà mình nghĩ rằng chúng ta luôn luôn phải đi nhiều hơn trong khả năng có thể.

Nếu bạn đi, bạn có thể sẽ chia tay với một cái áo khoác đẹp do để quên trên taxi trong lúc bạn quá nhiều đồ đạc.

Nếu bạn đi, bạn có thể gặp những người tu hành với vẻ ngoài khiêm nhường bắn tiếng Anh như gió ngay trên đất nước này.

Bạn sẽ nhận ra bạn là người yêu thiên nhiên.

Bạn sẽ biết rằng thế giới này, người tốt luôn nhiều hơn kẻ xấu.

Dù sao thì khi viết những dòng này, mình cũng nhớ đến những lúc chờ xe chơ vơ trên đường quốc lộ từ Đà Nẵng trở ra Huế, khi mọi người tiếp tục chuyến đi vui vẻ thì mình phải quay lại với hành trình riêng. Mình nhớ đến chiếc xe hung thần mình đã đi trên đoạn từ Quảng Ngãi để ra sân bay Đà Nẵng, nó bay như một con ngựa bất kham.

Nhưng trong lúc chơ vơ đó, mình nghĩ đến những bạn ngoài 20 tuổi một mình đi khắp châu Âu.

Mình nghĩ đến bạn Janvier, người chuyên săn lùng vé máy bay giá rẻ, người thường đi Trung Quốc với giá 2 triệu đồng và đi khứ hồi HN - Bangkok - Myanma với giá 75 USD.

Nghĩ đến chị Nheva, cuối năm thường không được danh hiệu lao động giỏi, bả mới đi Anh - Scotland - Ba nước Ban tich bằng một hành trình xe Caravan, đi đến đâu thì dựng lều trại nấu ăn ở đó.

Hãy đi, nhiều hơn khả năng mà mình có, để thấy rằng mình xứng đáng được hưởng nhiều hơn những gì mình nghĩ.

Để tận hưởng tự do.

Bạn nhé!

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2010

Chữ giun

Chả biết động vào cái gì mà బ్లాగ్ బ్లాగ్ lại ర chữ గిఉన్.

Viết chữ Việt mà nó thành chữ గిఉన్.

ఇఎఒ vào vũ trụ một câu hỏi? Biết vào đâu mà sửa bây giờ?

హు హు, có ఐ biêt không? హు హు

Hu

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

Welcom - Ước muốn di cư

Bilal là một cậu trai người Cuốc trong đám đông bị cảnh sát lôi ra từ thùng xe tải ở biên giới giữa Pháp và Anh. Hình như từ quê nhà I rắc cậu ấy đã đi bộ 4000 cây mới tới chiếc thùng xe tải bị giữ lại này. 17 tuổi, chơi bóng tốt, trốn sang Anh vì một cô gái, bố cô ấy làm việc ở Anh lâu rồi và cách đây nửa năm cô ấy có visa. Cậu dự định khi sang Anh sẽ chơi cho MU.

Chính quyền không muốn thành phố của họ trở thành một thành phố tị nạn trên bản đồ di cư thế giới. Bilal và những người đồng hội tất nhiên bị phân biệt đối xử. Họ vật vờ, câm lặng, chờ thời.

Bilal đi học bơi. Cậu gặp được một người tốt. Thày dạy bơi từng là một vận động viên giỏi. Ông đã bất chấp nhiều phiền toái từ cảnh sat và Cục di trú khi che chở cho Bilal, có lẽ vì Bilal quá ngây thơ. Ông khuyên cậu hãy ở lại Pháp, cậu bơi tương đối tốt, đừng làm những việc không thể. Nhưng cậu không nói gì. Cô gái cậu yêu đang bị ép gả chồng và cô ấy chờ cậu sang, cô thường khóc trên điện thoại và hỏi bao giờ thì anh đến được.

Cuối phim, Bilal đã chết trong lần thứ hai bơi vượt biển Măng xơ, cậu bé chết trong nỗ lực trốn chạy chiếc tàu cứu hộ của Hoàng gia Anh khi chỉ còn cách bờ 800 met, cậu sợ người ta lại trả cậu về Pháp như lần trước. Cậu đi học bơi để bơi vượt biển, phải bơi liên tục 10 tiếng trong nước lạnh 10 độ.

Ông thầy dạy bơi đi sang Anh gặp cô gái, ông đưa chiếc nhẫn của người vợ cũ nói là của Bilal mua cho cô, nó là một chiếc nhẫn cổ. Cô gái không thể đeo được, 10 ngày nữa đám cưới được tổ chức. Cô khóc rằng sao ông không khuyên anh ấy ở lại Pháp. Tôi đã nói - ông trả lời.

Trở về Pháp, ông nói với người phụ nữ ông yêu, người đã từng là vợ và vẫn còn yêu ông, rằng Bilal đã đi bộ 4000 cây để tới nước Pháp, cậu ấy đã bơi vượt biển Măng xơ để đến với người yêu. Còn anh, khi em xách va - li ra đi, anh đã không chạy theo giữ em lại dù chỉ một con phố.

Tìm trên mạng thấy giới thiệu phim này ở đây, nhưng nó bằng tiếng Pháp.

Không biết có phải ngày gì không mà tự nhiên đọc, xem nhiều thứ liên quan đến ước muốn di cư.

Chỉ buồn cười là dẫn Nina đi xem ở Espace, bảo là xem phim Tẩy trần, có Trương Mạn Ngọc nhé, rồi đến lúc xem chẳng biết là phim gì, hóa ra Tẩy trần chiếu lâu rồi, tại vì có 5k một vé, nên cứ mua cả loạt rồi không đi.

Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Phụ nữ Việt Nam

Mẹ chị đi xe buýt. Khi xuống xe bị thằng lái xe buýt ẩu tả nó đè cái bánh xe lên người. Phải cưa chân. Chị để chồng con lại trong Sài Gòn bay ra HN . Gọi điện chị bảo bây giờ đừng đến, chị đang bận, chỉ có mình chị chăm sóc mẹ, mẹ chị cũng chưa ổn định tâm lý không thăm được đâu.

Một tháng sau gọi nghe giọng chị hồ hởi, bảo vừa mới cầm chìa khóa nhà mới xong. Em thấy chị may không, trong một tháng vừa bán nhà vừa mua nhà, bây giờ chỉ mong có bạn bè nào mua nhà mua đất mà truyền kinh nghiệm cho, chứ va chạm đủ các loại cò nhà cò đất cả ở HN lẫn SG thế này nhiều bài học mánh khóe lắm rồi.

Chị dẫn tôi đi xem nhà mới của bố mẹ chị trong lúc chờ ông thợ lắp điều hòa đến, rủ tôi xuống siêu thị dưới nhà tìm mua cái chân nến bằng sắt để tìm số điện thoại của cơ sở sản xuất sắt mỹ thuật định đặt nó làm cửa. Chị bảo, khổ, bố mẹ chị trước ở Đại La đấy, rồi vợ chồng chị định chuyển từ SG ra thì về Mỹ Đình, nên ông bà chuyển ra Mỹ Đình trước cho vui, vừa ở nhà Mỹ Đình một tháng thì mẹ chị bị tai nạn. Mẹ chị cứ đổ cho là ở nhà đó xui xẻo nhất định không từ bệnh viện trở về đó, chị chiều mẹ bèn bán nhà Mỹ Đình đi để mua nhà này.

Chăm một người bị cưa chân thì tôi tưởng tượng ra thế nào rồi. Ngày trước nhà tôi có người ốm nằm viện tính sơ sơ có đến 6 người tham gia hoặc lịch sinh hoạt bị ảnh hưởng trong guồng quay bệnh viện. Nên khi nghe chị nói chị trông suốt đêm đến lúc bác sỹ khám dặn mua thuốc thì trở về nhà nấu cháo mang đến, mẹ chị ăn cháo xong lại về nấu bữa cháo tối và ở lại đêm luôn tôi mới hỏi:

Chị, thế nhà chị có hai chị em cơ mà? Thế em trai với em dâu chị đâu??

Chị bảo em dâu thì nó bảo con nó còn nhỏ không trông được. Nó đã nói thế thì cũng thôi, mẹ mình cơ mà. Còn em trai thì, haizz, từ hôm mẹ ốm đến bây giờ nó vào được hôm đầu tiên với một hôm dẫn người nhà đến bệnh viện thăm, nếu không phải dẫn có khi nó chẳng vào nữa. Có lần chị mang cháo vào mẹ chị không biết sao lại dỗi, chị ra ngoài hành lang khóc mấy người cùng phòng cho chị số điện thoại, bảo cháu buồn gì cứ gọi điện cho cô, cô thấy mày khổ quá.

Tôi hỏi: thế chị bao sân à? chắc là chị giỏi quá em chị thấy không cần phải làm nữa.

Chị bảo nào có bao gì. Lúc làm thủ tục nhà cửa có một lần phải hẹn ông công an phường làm cái chứng minh thư, không rõ chứng minh thư trong câu chuyện của ai nhưng mà bố chị đã hẹn cái ông công an kia rồi mà em chị là người đi gặp, ông công an tự nhiên gọi lại bảo sáng mai bận không gặp được, chị điện cho nó, nó chửi um lên là mất việc của nó. Mà việc này chị có chủ động được đâu.

Tôi bảo, hay nhỉ, em đã thấy quá nhiều những chàng trai trưởng thành coi nhà như cái nhà trọ, điện nước trong nhà có trục trặc đã không biết sửa thì cũng không biết đường gọi thợ luôn. Thực tế tôi còn gặp những người phụ nữ biết xử lý những việc tương tự nhiều hơn cả đàn ông.

Chị nói ăn thua gì. Ngày cưới nó 8h đón dâu mà 7 rưỡi nó mới dậy. Họ hàng bảo có chị gái sắp đặt cỗ bàn cho hết rồi sướng thế thì nó bảo đấy là việc của chị. Bây giờ bố mẹ vợ mua nhà cho ở đấy chứ. Hôm mẹ chị ở bệnh viện không có chỗ về chị hỏi liệu có thể cho con nó về ông bà ngoại mấy hôm để mẹ chị đỡ cảm giác ở nhờ được không thì cả hai vợ chồng đều giãy nảy kêu chưa xa con bao giờ cả, không được, thế bố mẹ chị phải về ở nhờ nhà cậu chị đấy. Thôi chị cũng chẳng trách gì em dâu, nó gánh thằng đấy cũng đủ lắm rồi.

Chị thắc mắc không biết sao 2 con cá nuôi cùng trong một cái bể, cả hai chị em cùng chịu sự giáo dục như nhau mà lại khác nhau thế nhỉ.

Tôi cũng thắc mắc y như chị luôn.

Buổi trưa ở cơ quan đọc lại truyện Dâu Tây của anh VMC và thread Đờn ông Việt Nam bên nhà chị Lún Ghẻ.

Vẫn chịu. Không có câu trả lời.

Đã thế lại còn nhớ đến một anh khi mẹ của các con hỏi tiền sữa thì bảo em nhận nuôi con mà, em nghĩ cách làm sao cho chúng nó sống, anh nghèo không biết nghĩ gì nữa.

Tự nhiên hoảng quá, hi hi.

Thứ Ba, 8 tháng 6, 2010

Rất tình hình

Để em kể cho bạn hiền nghe.

Em có một( bà ) chị gái mẹ, quê em gọi là bá. Một lần bá ý lên HN vào chỗ em chơi. Lúc em đang ngồi đọc blog của em thì em đi tém, khi em tém xong em ra thì em thấy bá ý thẳng tưng đọc blog của em, hôm ý blog lại có cái bài nhà cũ nên độc giả nhận ra ngay là ai viết chứ không phải nhà văn nào trên mạng hụ hụ. Nhưng lúc ý em cũng bình thường lém, em đóng lại và bảo bá đọc làm gì những cái vớ vẩn nài. Xong rồi thì thôi.

Từ hồi ấy đến nay mặt trời vẫn mọc ở đằng đông.

Vì em nghĩ bá ý chỉ biết chơi "lai" là cùng thôi ( trò chơi điện tử gì mà xếp hình ấy, hình như gọi là lai, em không chơi điện tử nên không biết).

Rồi cuối tuần rồi em về quê. Tu hú kêu hoa phượng nở đầy ước mơ hy vọng. Phượng nở tung tóe khắp nơi và cắt điện luân phiên, cứ một ngày có một ngày mất. Em tham gia vào một đám cúng có đầy đủ bá quan văn võ.

Trong câu chuyện sơ hở thế nào mà bá ý lại kể ra là bá ý về nhà rồi bá ý đọc blog của một đứa tên là người lạ vừa đến. Rồi cách đây mấy hôm mẹ của đứa người lạ xuống nhà chị gái chơi, có người hỏi là thế có thích đọc blog của con gái không.

Ối mẹ ơi.

Ta đã oánh giá nhầm một bà già gân gần 60 tuổi, tưởng chỉ biết chơi lai thôi, mà lại biết chép link.
Ta vẫn nghĩ vũ khí lớn nhứt để chiến đấu của ta là không-ai -hỉu - nổi.

Thế mà trong tương lai "ác mẫu " của ta lại biết đọc blog.

Coi như the end!

Lập ra một cái blog có khác gì đẻ ra một đứa con, se sua mong muốn cho nó ngửng mặt với đời, sánh vai với đế chế năm châu, phải có chiến lược định hướng phát triển cho nó .

Thật sự em vô cùng Chênh vênh Cát Trọng Lý, không biết tương lai đứa con tinh thần này đi về đâu.

Cầu xin các bạn hiền cho em lời khuyên giúp đỡ em vượt qua lúc nguy khó.

Ai đi qua mỉm cười không comment dứt khoát không phải bạn hiền!

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

Ngồi trước hiên nhà...

Một mình ngoài hiên tối, hong tóc khô, ngửa mặt lên trời. Thấy bóng cây ăn quả trên nền trời thẫm đen.
Đi vào nhà, bảo H, cho nhờ máy tý.
Nó out game thì mình ngồi vào đây.
Làm sao gõ lại cảm giác vừa nãy của mình?
Không hẳn buồn. Là thương.
Nghĩ...
Ta đã phải trả giá cho trưởng thành, bằng tuổi thơ, ký ức, nỗi yêu thương. Ở ngôi nhà này, viên gạch, bậu cửa, gốc cây...con đã lớn lên. Rồi ước muốn phải đi xa, phải độc lập, phải bay, phải như một người phụ bạc.
Trưởng thành có nghĩa là phụ bạc.
Đến lúc hoài quê hương thì đã lớn quá rồi.
Làm sao quay lại tuổi thơ, làm sao bố mẹ luôn sống mãi với ta, làm sao bố mẹ còn sống để luôn đợi ta ở nhà, đợi đến lúc ta tuyệt vọng hay hạnh phúc mà quay về?
Có những người bạt đi. Đến lúc về lại nhà cha mẹ thì buồn. Trách những người ở nhà không giữ ngôi nhà cha mẹ như ký ức. Nhưng giữ làm sao được mọi thứ như ký ức?
"Suốt nửa đời phiêu bạt con trở về úp mặt vào sông quê"
Hôm nay con ngồi trước hiên nhà.
Khóc...
Cho những hèn kém, yếu đuối, tham vọng. Gánh nặng cuộc đời.
Mang theo.

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Khoảnh khắc bóng đá

Nói đến bóng đá, bạn nhớ tới điều gì?
Tớ nhớ đến trận chung kết C1 năm 99, Bayer Munich đã chơi một trận chung kết xứng đáng và cầm cup tới phút 89, gần cuối hiệp 2 Feguson thay người Sheringham vào sân bất ngờ ghi bàn ở phút 90, trận đấu có 2 phút bù giờ và Solskjaer ghi bàn tiếp theo vào những giây cuối ấn định tỷ số 2/1 cho Man U. Một trận chung kết lịch sử. Không thể nào quên được ánh mắt tê dại của một cầu thủ Đức không nhớ tên khi máy quay quét cận cảnh qua gương mặt ấy, người Đức cũng không chịu được nỗi đau này. Đó là năm của MU và Mr Feguson.
Tớ nhớ đến
Peter Schmeichel, hình như anh là thủ môn xuất sắc nhất mọi thời đại. Nếu năm 1992, Nam Tư - đội nhất bảng không bị cấm thi đấu vì nội chiến thì đội nào sẽ vô địch mà không phải là chiếc vé vớt Đan Mạch? Từ 1992 nhắc tới Đan Mạch ngoài Andecxen người ta còn nhớ tới bóng đá. Peter Schmeichel đã chơi một mùa giải kiệt xuất góp phần quan trọng cho việc đội bóng nhà lên ngôi vô địch. Sau này anh còn chơi cho MU trong nhiều năm và vẫn tỏa sáng nhưng tớ vẫn nhớ những hào quang phủ quanh thủ môn này ở Euro 92, thật tuyệt vời.
Tớ nhớ đến France 98, tớ cổ vũ cho đội tuyển Braxin nhưng Pháp đã thắng thuyết phục 3 - 0 trên sân nhà. Tớ nhớ slide bóng bay cao vút trên sân vận động Stat đờ phăng và cả cầu trường rực lên đèn đuốc với một màu áo lam chủ đạo và những âm thanh gầm lên phấn khích Zi zou, Zi zou, Zi zou khi Zidane đánh đầu vào lưới. Những khoảnh khắc tuyệt đẹp của niềm vui và nỗi buồn.
Tớ thích nhìn khán giả trên sân, họ đều đẹp, nhất là các cô gái.
Tớ nhớ năm 2008, lần đầu tiên sau cải tổ tuyển Nga vào sâu đến thế. Một bà cụ già ở Thanh Hóa móm mém bảo tôi là tôi ủng hộ Liên Xô, Liên Xô ngày xưa họ giúp ta nhiều chứ các đội khác ta có biết chi mô. Có một đêm Nga thắng, Asavin ghi bàn cả forum phát điên vì sung sướng, tin nhắn chiu chíu những hoa cười ha ha ha.
Còn gì nữa nhỉ?
À, nhớ đến anh BLV Quang Huy, một fan cuồng nhiệt của MU. Ngày xưa tớ cứ tự hỏi liệu anh ấy có nhất thiết phải tranh hết các trận có MU để bình luận như vậy không, với anh ấy yêu có nghĩa là sở hữu:)
Nhớ tới bác Chánh Trinh, một cây bút thể thao nổi tiếng trên báo Lao động mà tớ đọc những năm 90. Sau này tớ không đọc báo nhiều nên nghĩ rằng không có một cây bút thể thao nào xứng danh như vậy nữa.
Bóng đá là môn nghệ thuật thứ 8, cũng giống như âm nhạc, hội họa, điện ảnh, văn chương thôi. Tớ trộm nghĩ nếu những người phụ nữ không phải làm việc nhà, không phải trông con thì sẽ có nhiều người yêu bóng đá hơn.
Các bình luận viên của CNN đưa ra nhiều cái tên cho dự đoán cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 2010. Cơ hội đúng nhiều hơn khi WC qua vòng bảng còn bây giờ thì tớ không chọn Rooney, tuyển Anh không thể vào sâu được, Droba quá già, F. Ronaldo - uhm - chưa tìm được lý do nhưng cảm giác là không phải. WC là cơ hội để các đội bóng tưởng như yếu hơn làm nên huyền thoại khi các ông lớn đã vắt kiệt sức ở giải đấu câu lạc bộ hàng năm.
Trước giờ bóng lăn, thì mình chọn Kaka thôi, Kaka không phải là tiền đạo nhưng nếu Braxin vào sâu thì cầu thủ xuất sắc nhất có cần phải là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất không nhỉ?
À, còn Messi nữa, Messi cũng hay lắm. Nhưng không biết năm nay Achentina thế nào?

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2010

Chuyện xưa kết đi*

1.Rau má xay bây giờ bán ở Tô Tịch chắc 10 ngàn một cốc. Bọn con gái dũng cảm bỏ qua những cốc sinh tố ngon lành để uống rau má cho mát, nước rau má ngai ngái nhưng lành, uống xong rồi ngẫm nghĩ thấy mát như kem.

Rau má ngày xưa mọc ở bờ ruộng, lá tròn xanh như lá sen thu nhỏ, chỉ to hơn đồng xu 5 nghìn một tý, khi mưa xuống thân lá rau má mỡ màng, lá cũng xanh mướt xoè to hơn rung rinh như cái ô tý hon. Những chỗ nào đất thịt, gốc cây cũng to hơn mập mạp, gồm 3 đến 4 nhánh, bọn trẻ con cầm liềm nạy khẽ một cái lên cả tảng, giũ giũ đất và cỏ, gốc cây hiện ra màu trắng hồng, hơi giống thân giá đỗ. Những hôm nghỉ học bọn trẻ con đi kiếm rau má, rau má luộc, rau má muối dưa ăn hay hay, bán được một trăm đồng một bó.
Bây giờ cái chỗ đất kiếm rau má ngày xưa ấy người ta san lấp mở rộng trường SP, chẳng còn ruộng đâu, đi chợ thấy người ta vẫn bán rau má, cái thứ rau dại ấy vẫn sống ở đâu đó. Sau này đi học có nhiều bạn bè bốn phương, thỉnh thoảng thấy người ta nói dân TH ăn rau má phá đường tàu.. nó lại thấy buồn cười.

2. Mẹ có một chị gái. Hai vợ chồng bác là kỹ sư xây dựng, cả đời đi khắp trong Nam ngoài Bắc cũng chẳng bon chen được mấy, may sao số rùa được phân một lô đất ở con đường mới đắt nhất TP, thế cũng thành khá giả. Cả nhà mừng. Con nghe chuyện nhớ tới anh chị con bác ngày xưa học sinh tiên tiến cũng được nhiều quà 1.6, bọn con học sinh giỏi chẳng được cơ quan bố mẹ cho đi chơi đâu thì buột miệng bảo "chỉ có nghề giáo viên là chẳng bao giờ có cơ hội gì cả mẹ ạ" Mẹ thở dài bảo ừ. Nhớ ngày xưa Tết đến cơ quan người ta còn được chia thịt, trường học thì Tết vắng teo. Tết cũng chẳng có gì.
Có lẽ vì thế mà lớn lên, cả hai đứa chẳng đứa nào theo nghề mẹ, mặc dù không phải không luyến tiếc bỏ lại tờ giấy báo điểm Sư phạm mỏng manh như tóc mai con gái "Chúng tôi vui mừng thông báo.." con bây giờ vẫn giữ đấy. Năm đầu tiên đi làm được một cục tiền Tết con ngỡ ngàng nhìn cảnh bạn bè mẹ có con học SP ra trường cạy cục người ta một chỗ hợp đồng không lương, nghĩ thôi yêu thì cũng để trong lòng.

Bây giờ ngoảnh lại chẳng biết là đã đúng hay sai, chỉ biết là có số phận cả rồi. Đời là một dòng chảy mình chỉ có thể đứng nhìn thôi chứ sao ngăn hết được. Nghĩ tới những đứa bạn cùng lớp ngày xưa vẫn vi vu tận trời tây, người lớn hỏi sao chúng nó mê mải kiếm tiền kiếm bằng cấp gì nhiều thế mà không ổn định đi thì thương cái thân mình, đi làm bao nhiêu năm có dành được gì đâu mà vẫn "hát đơn ca". Đi học đi làm, quay cuồng với bao vấn đề của một người trẻ trong thời buổi dở dở ương ương, hiện đại chẳng ra hiện đại lạc hậu chẳng ra lạc hậu. (Tác giả cắt bỏ 25 chữ ...) Ôi những người lớn, có những khi sợ làm tổn thương nhau mà cuối cùng thành tổn thương tất cả.Cho dù có xung khắc thế nào thì trong những thời điểm nguy khó, mẹ vẫn luôn là bạn và ủng hộ con thôi. Điều đơn giản đấy sao bây giờ mới biết?

3.Tôi có thể ngồi xuống đây được không? Dạ vâng, được ạ. Người đàn ông lớn tuổi, quắc thước sau khi ngồi xuống chiếc ghế đá ven hồ chìa cho tôi túi mận và hỏi: Cô có ăn không. Dạ không, ông cho cháu hỏi cây lộc vừng chín gốc cạnh hồ Gươm là ở góc nào ông nhỉ? Tôi không biết, cô ạ. Tôi đi khỏi đây 60 năm và mới về hôm qua.

60 năm, con số nghe được làm tôi há hốc mồm. Hẳn là có những biến cố kinh khủng lắm mới bứt con người ta đi khỏi một nơi dài lâu đến thế. Và tôi, một con bé nhà quê trong đầu những ngày này đầy ắp quá khứ hào sảng của một Việt Nam anh dũng chiến thắng trong chiến tranh, tự tin vươn dậy trong đổi mới đã háo hức hỏi rằng: Ông ơi, vậy ông thấy qua 60 năm ở đây thay đổi ntn? Câu trả lời bất giác làm đau lòng: "Quá chậm" Người đàn ông nói như thương xót. Mình mất 30 năm chiến tranh mà ông. "Tôi biết" Giọng nói hình như có nước mắt. "Nhưng thiệt thòi, thiệt thòi quá cô ạ"

Câu chuyện giữa tôi và ông lão 80 tuổi, nguyên sỹ quan quân lực VN cộng hòa đã bắt đầu như thế. Ông rời khỏi đây sau 45, sống 27 năm ở SG, khi giải phóng MN năm 75 thì xuống tàu cùng 1vợ và 8 con sang Mỹ. Ở Mỹ hơn 30 năm, người VN này quen ăn đồ ăn Macdonal rồi. 8 người con của ông trưởng thành, đi làm, sống riêng. Tôi chỉ đến chỗ chúng vào dịp weekend. Các con của ông có nói tiếng Việt không? " Có đứa nhớ, có đứa không" Khi nào muốn ăn đồ ăn Việt thì order cho họ mang tới. Tự do lắm cô ơi. Thực lòng, ông có thích cuộc sống như vậy không? " Thực lòng trước đây tôi không thích, nhưng bây giờ thì tôi thích rồi. Con tôi mua cho 2 chiếc xe hơi, tôi đi khắp nơi" Vậy sao bây giờ ông mới về Việt Nam? "Tôi còn ai ở đây đâu cô, họ sang Mỹ cả rồi". Vậy tại sao ông lại chọn thời điểm này (30/4) để trở về VN? Tôi đi cùng bà chị tôi, người ta nói bây giờ thời tiết đang mát. Vậy thôi cô ơi. Tôi bây giờ đã 80 tuổi, có tiền retired, chẳng quan trọng chuyện chính trị, nhưng cuộc sống của bà con mình khổ quá. Tôi sẽ ở đây 1 or 2 tuần thôi, rồi tôi về. Đến tháng 7 con trai tôi sang Đức làm WorldCup thì tôi đi theo, con trai tôi làm cho đài VOA, cô có nghe VOA bao giờ không? sang đó, trận nào hay thì tôi xem, vé ngàn bạc đó cô.
Cuộc trò chuyện 2 tiếng đồng hồ với người đã từng bên kia chiến tuyến làm tôi chợt nhớ lá thư của một người bạn gửi về từ P " Hôm qua, em mới cãi nhau với một loạt TS và nghiên cứu sinh mới sang. Chúng nó chỉ nhìn thấy hiện tượng mà không thấy bản chất, chúng nó chỉ thấy người ta tốt còn nước mình xấu, người ta tuyệt vời còn mình nghèo nàn" K à, hôm đó chị cũng đồng ý với em. Nhưng hôm nay một ý nghĩ chợt đến: có phải chúng ta đã ngủ quên trên chiến thắng mà không biết rằng thế giới đã tiến như thế nào? có phải là thành công của quá khứ đã giữ chân chúng ta, thành công giữ chúng ta còn nhiều hơn cả thất bại?
4. Ba mẩu trên ở trong một diễn đàn, đọc lại thấy như mới, ngượng quá, hóa ra mình đã có những lúc như thế ư, đúng là trẻ dại. Nhiều khi đọc nhật ký của mình cứ như đọc trộm của ai, thật là ngượng. Vì thế mà buông tay không save cái blog 360 viết trong mấy năm liền, friend list khoảng 10 người, bây giờ mới tiếc, những khoảnh khắc đi qua thì có trở lại bao giờ?