Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

Nữ

(Old entry) - Hôm nọ ra Đinh Lễ đi tới đi lui một hồi không thể nghĩ ra cái quyển mình cần tìm, từ tên sách đến tên tác giả bị xóa trắng. Lơ ngơ xem xem lật lật một hồi rồi về, kết thúc một ngày thường.
Về nhà nghĩ nếu cái Nữ mà còn làm ở Đinh Lễ thì mình đã nhớ ra tên quyển đấy rồi, không đến nỗi lú lẫn vậy.
Bỗng nhớ nó
Những ai hay lên Đinh Lễ sẽ gọi nhà số 5B là nhà sách Mão. Nằm trong 1 ngõ nhỏ ẩm ướt, đi lên cầu thang rẽ phải 2 lần là chỗ bà Mão ngồi thu tiền, trước cửa phòng sách khoa học kỹ thuật, bên cạnh 1 điện thoại bàn và 1 cô kế toán ngồi viết hóa đơn, xung quanh hai người treo lòng thòng lịch và các kiểu sách.
Cầu thang rẽ trái là 2 phòng đối diện nhau, phòng văn học VN và văn học dịch, đi sâu bên trong là phòng sách thiếu nhi, trong nữa là một phòng gì đó có để đầu DVD để mấy đứa nhân viên vào thử đĩa kèm sách cho khách.
Nữ phụ trách 2 phòng sách văn học. Sinh 81, quê chùa Hương, học cái gì lâm nghiệp rồi đi bán sách thuê cho nhà bà Mão, lương cách đây 3 năm là 700 nghìn, cộng cả làm thêm giờ khoảng 1 triệu bao gồm cả khuân vác, xếp sách, chọn sách từ sáng sớm đến tối khuya, đêm ngủ úp thìa trên sàn gỗ cùng 2 chục đứa khác hoặc nằm trên sách trong những căn phòng nồng nặc mùi mực in bốn bề vây xung quanh là sách chất cao tận trần.
Tôi quý Nữ vì nó là đứa thông minh, khéo léo và ham đọc sách. Đám nhân viên ở đấy bị cấm đọc nhưng Nữ hay ngủ ngay tại phòng sách để đọc trộm. Nó đọc tương đối vì thế mà nhớ như in vị trí hàng trăm đầu sách và biết cách tư vấn. Đội phát hành sách cũng vì nể nó bởi mỗi lần mang sách lên giao thì bà Mão thường hỏi Nữ xem đã hết chưa, nếu nó bảo còn nhiều là bọn kia lại phải mang về. Một thời gian khá lâu tôi chọn theo sự hướng dẫn của nó.
Theo lời Nữ thì bà Mão là người đầu tiên bán sách tư nhân ở cái phố này nên những người mua sách quen cứ thế mà tìm đến. Có lần tôi dẫn một anh HN lên chỗ này, anh đó chắc lưỡi nói mìn ở đây từ bé mà không biết. Có lần tôi còn gặp Joe đi với một cô gái. Tôi gọi Joe về viết blog đi, cậu cãi: không phải, em họ. Vài hôm sau thì đọc được bài của Joe về hiệu sách này:)
Là đứa thông minh, cái Nữ nhìn ra những bất cập trì trệ trong việc kinh doanh ở đây. Nó đề xuất việc kiểm kê, dùng phần mêm exel kiểm soát đầu vào đầu ra nhưng ông bà chủ đã già,có mỗi một cô con gái bé, lại có quá nhiều kho sách ở khắp nơi trong thành phố nên vẫn bán theo kiểu thủ công
Dù biết việc thì Nữ chỉ là lao động phổ thông trong thành phố mấy triệu dân này. Những cuốn sách nó đọc làm cho nó mơ ước nhiều hơn những gì nó đang có, tôi cũng không biết điều đó là tốt hơn hay xấu hơn. Mệt mỏi vì làm việc quần quật, có lúc nó đã định về quê lấy một cậu nông dân tham gia xã đoàn. Nhưng cũng như nhiều cô gái nông thôn khác bị shock văn hóa ngược, nó lại ở lại đó. Tôi chỉ chỗ cho nó đi học tiếng Anh buổi tối miễn phí nhưng rồi nó không theo được vì phải làm việc.
Một thời gian sau khi tôi đi vắng Nữ nhắn tin nó đã mua xe máy, bây giờ đi làm thu ngân ở nhà hàng Ngự Bình. Về HN, có lần tôi tìm đến một nhà hàng ăn uống trên đường HQV gọi mãi mà nó bận không ra được. Tôi đành đi về, mải miết tuần tự lo những vấn đề của riêng mình từ đấy không gặp nó, điện thoại cũng thay số.
Không có Nữ, tôi không đi qua một hành lang tối om và những bậc cầu thang ẩm thấp trong con ngõ khai um để đi lên nhà sách Mão, bỏ luôn thói quen đọc cọp trong những chiều cuối tuần tẻ nhạt. Tôi xem sách dưới đường, đôi khi nhặt sai và lãng phí. Thế giới của tôi chẳng đổi thay, chỉ đôi khi nhớ nó - con bé bán sách có nụ cười cởi mở cũng giống như bao người khác chưa gặp cơ hội của mình trong cuộc đời này - Chẳng biết giờ nó quẫy đạp nơi nào.

1 nhận xét:

  1. Có những người đã đi qua cuộc đời ta như thế. Và thi thoảng, ta cũng sẽ giật mình tự hỏi: "Chẳng biết giờ nó (anh, chị, ông, bà ấy...) quẫy đạp nơi nào

    Trả lờiXóa