Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

Ngày thường (II)


1. Thứ 7 tuần trước nữa (7/11) tui có thiếp mời đi dự một đám cưới. Đám cưới ở khách sạn 5 sao ghê quá ta nên tui cũng se sua váy áo mà đi hội với bựn bè. Tui có dịp tận mắt vài ngôi sao, nhìn vài ngừi bạn "quốc tế" do cô dâu trước học trường điện ảnh bên bển, oai ghê ta nhưng tui đây giữ thái độ xem là phình phường vì thế giới bây giờ muôn phương hội một phải không các bưởi? Nói chung đám cưới thì cũng giống tiệc Welcome dinner thoai, sau màn phụt khói trắng để cô dâu chú rể bước vào như lướt đi trên cõi bồng lai tiên cảnh thì chúng tui ăn trong giai điệu của Bethoven (sr nếu tui viết sai tên ông nha) chứ không phải nhạc của Boney hay Morden Talking như đám cưới thời xưa hí hí.
À quên nói chuyện cắt bánh cưới nha. Tui vẫn hay được các chị có chồng ở cơ quan dạy là khi lấy (được) chồng thì phải có thái độ cứng rắn và biện pháp trấn áp ngay từ đầu, không để cho chồng dạy mình từ thuở còn thơ rùi nó được đằng chân lân đằng đầu nó ngày càng lấn tới rùi đến lúc mình không chịu được tức nước vỡ bờ mình bật nó cũng shock mình cũng đau thương. Tui còn được dạy làm sao treo cái áo của mình ra ngoài áo của nó hôm đầu í thì mình sẽ chỉ đạo được chồng...etc ..nói chung chuyện này hay ho lắm nha nhưng mà đang nói là đi đám cưới tui ngồi ở gần sân khấu thấy cô dâu chú rể cắt bánh cưới mà cô dâu cầm tay cho chú rể cắt nha, nghĩa là cô dâu cắt đâu thì chú rể cắt đó. Thiệt tình tui biết bánh thì cũng chẳng ai ăn nhưng mà ở đây cô dâu hơn chú rể 5 tuổi nên tui trông cái kiểu cắt bánh là tui biết cô dâu sẽ dắt chú rể đi cả đời hi hi. Mà tui thì không ước như vậy đâu nha.

2. Cuối tuần vừa rùi tui đi ép tóc ở một cửa hàng trong ngõ Trại Cá trên Trương Định. Cái nhà này nó hành nghề ép tóc lâu năm rùi làm ăn cũng hiệu quả nên khá đông khách. Lúc tui đang ngồi trong thì có một chị ngơ ngơ đi vào tháo khăn ra rụt rè hỏi nhân viên Chị ơi đây có phải hiệu ép tóc T.H không? Bọn nó chẳng đứa nào bắt lời, chị kia ngơ ngác định hỏi tui thì nó gắt chị ra nhìn ngoài biển (hiệu) ý. Một chuyện nha. Đi làm tóc mà len lét như xin sếp cho đi học. Nhà này nó đông khách nó thế. Lúc sau một chị nhân viên đang bôi thuốc dở lên đầu khách thì có điện thoại chồng gọi ra ngoài chồng đưa cho cái áo khoác. Chị này tháo găng tay nylon nhờ đứa khác bôi hộ cho khách. Con bé bôi hộ vừa bôi được hai nhát thì chạy theo tít ngoài ngõ để..xem mặt chồng chị XYZ để cho khách ngồi lại cô đơn trên đầu thuốc nhỏ tong tỏng. Hai chuyện nha. Làm ăn kiểu này chỉ cần bước chân ra khỏi địa phận nội thành thủ đô là khách nó bóp cổ cho đến chết 49 ngày sau lưỡi vẫn chưa rụt lại nha.

3. Đúng hẹn, màu đông đã trở về được 3 ngày. Năm nay nhuận. Nếu không, chỉ còn 8 tuần nữa đã là Tết. Buổi tối nằm trong chăn ấm nghe gió rít ngoài ô cửa, bật máy tính nghe một bản nhạc pop nhẹ nhàng thấy tâm hồn khe khẽ lên tiếng, rằng sao thời gian trôi quá nhanh, bao năm qua ta đã làm được gì cho ta và cho đời? vòng tuần hoàn của vũ trụ đến rồi đi, ngày tháng nào đã đi qua nhưng ta còn ngồi lại?
Lại lưu trữ vào đây một đoạn viết cũ vậy, kể hơi sớm khi nói về Tết nhỉ, ngoài cửa phòng tôi đang ngồi những cây bàng vẫn còn nguyên sắc xanh pha đỏ của độ cuối thu:
Tet over

Khi tôi ngồi viết những dòng này, Tet dường như đã đi qua tôi, đã nhạt đi không khí linh thiêng của trời đất Tet, truyền thống Tet, tổ tiên Tet, chỉ Tet holiday là mới bắt đầu. Miền Bắc mấy hôm qua trời thật lạnh, lạnh sắp rụng tai càng làm tôi ở trong Tết và nhớ Tết xưa dù chưa xa lắm, nhớ mùi thơm của khói pháo làm ấm lên không khí. Sinh ra và lớn lên ở "ngoải" tôi thật chẳng hình dung được miền Nam mặc áo ngắn tay cúng giao thừa thì thế nào; nhưng giao thừa nào cũng xúc động nếu nghe bài hát "Gửi nắng cho em". Vì thế Tết hẳn là một cái cớ thiêng liêng kéo gần văn hóa, Tết là Tết chung. Thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta có Tết để dù đi đâu ai cũng nhớ về chung vui bên gia đình. Tôi đọc trên net một câu chuyện về cô gái phải tu 500 năm để được nhìn thấy người đàn ông của mình trong giây lát. Tu tiếp 500 năm để được chạm vào vai người yêu. Vậy 1000 năm chỉ được nhìn một cái, chạm vai một cái. Vậy những người trong một gia đình kiếp trước phải tu bao nhiêu năm để bây giờ là ruột thịt của nhau? Kiếp trước đã tu kỳ công như thế sao kiếp này đôi lúc bị cái ngán ngại của bổn phận mà sao nhãng ? Có lẽ vì thế mà mới có Tết, để người ta cúng giỗ tổ tiên giữ gìn văn hóa, để quan tâm đến người ruột thịt, để cảm thấy lờ mờ về hàng nghìn năm tu luyện. Không hưởng thụ Tết hẳn phí 1000 năm tu.
Cách đây nhiều năm, Vũ Đình Liên từng viết " Ông đồ vẫn ngồi đó. Qua đường không ai hay. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?" như một tiếng thở dài tiếc nuối sự vận động của quy luật giá trị. Những ông đồ bây giờ đã xuất hiện lại, có nhiều ông đồ trẻ măng ngồi họa những nét xưa cũ; cũng không lạm bàn về trào lưu. Một người bạn vừa mới rủ tôi học thư pháp, nếu tôi có duyên với môn này có lẽ chữ đầu tiên tôi muốn viết tặng những người cùng thời là chữ An. Còn những chữ như Phúc, Nhẫn, Đức tôi thấy mênh mông quá mình sao có thể hiểu. Một người khác lại muốn học chữ Nhẫn, không phải chữ nhẫn với bộ đao mà là nhẫn cỏ hoặc nhẫn 18K
Tôi đã có những đêm giao thừa không ở nhà. Thường thì những người đón giao thừa tại cơ quan phải là những người rất yêu công việc họ đang làm; không gian và thời gian ấy cũng thiêng liêng lắm, vắng nhưng cô đọng, đằng sau tiếng nổ của sâm banh không chỉ là giấy trang kim vương vãi trên sàn, lúc ấy người ta cũng cảm nhận sâu sắc về tình đồng đội. Cuộc đời hợp tan là lẽ tự nhiên, có thể không ý thức nhưng họ mong giao thừa năm sau họ lại đứng ở đó cùng nhau trong không gian của những người đồng chí.
Và nữa, những người đón giao thừa tại cơ quan hẳn là những người có đằng sau mình một người nội trợ chu toàn; người ta sẽ yên tâm ra tiền tuyến khi vững tin ở phía hậu phương.
Mùa xuân đã đi những bước chân đầu tiên ở quanh đây. Ngày mùng hai, đã qua Tet của tín ngưỡng tâm linh bắt đầu Tet của lễ hội. Rồi lại ngày mưa xuân phơi phới bay, hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy. Sự vận động muôn đời đông rồi lại xuân, hạ, thu. Ta lại nghe bài hát Gửi nắng cho em vào một ngày rất gần nào đó.
Mong sự bình an đến với tất cả mọi người!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét