Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2010

Chuyện của bạn (II)

Họ gặp nhau ở chân cầu thang Tòa án cho lần hòa giải cuối cùng. Anh nói với cô: thỉnh thoảng nhớ về thăm con. Cô chua chát: Coi như em mất đứa con này. Anh giả đò hỏi lại: Sao mất? em là mẹ nó cơ mà. Cô im lặng nghĩ đẻ mà không nuôi được nó thì coi như mất thôi.
Anh và cô chính thức chia tay nhau khi đứa con trai được 9 tháng. Cô bán nhà trả lại phần lớn tiền cho ông bà ngoại về ở với người bà con và thường khóc khi đêm xuống, sự đau khổ hằn lên gương mặt. Thời gian đầu cô định quay ra Bắc nhưng rồi quyết định ở lại SG để còn thăm con, một tuần hai buổi.
Mỗi buổi sáng, mặt trời vẫn mọc ở đằng đông, mẹ anh oằn lưng ra nuôi cháu, anh đi làm từ sáng đến tối mịt chẳng giúp được gì, có thời gian bố anh ốm nằm bệnh viện chẳng có ai chăm, hai ông bà ngày xưa đi đâu cũng có nhau như sam bây giờ cuối đời tự nhiên vướng phải cục nợ. Mẹ anh bắt đầu cằn nhằn con trai và thường xuyên nhắc với cháu về mẹ. Có một hôm thằng nhỏ hư, ông quát không nuôi nữa, thằng bé mới được gần 2 tuổi tái dại cả mặt mũi kêu đứt quãng: nuôi bé, nuôi bé. Buổi tối nghe mẹ kể lại anh khóc vì cay đắng.
Đã hơn một năm sau ngày chia tay, cô dần dần bình tĩnh trở lại. Cô đi làm, đi học, đi chơi, tuần hai buổi về thăm con không gặp anh, mọi việc dần ổn thỏa, cô thấy yêu đời, thấy không có anh cũng chẳng sao, thấy sao một con người ngày xưa mình yêu tha thiết mà bây giờ có thể hết sạch như người đi buôn mất hết vốn liếng vậy trời, giờ mà không có đứa con thì cô đi qua nhà đó như đi qua cái nhà kho hay đi ngang cái mắc áo vậy thôi. Mẹ anh hối thúc cô gọi điện cho anh giả đò hỏi thăm tình hình thằng bé, anh gọi điện cho cô mượn máy chụp hình, còn cô nghĩ thầm trong bụng, có ai ra tù rồi còn muốn quay lại nữa không bà ơi.

Khi bạn tôi trải qua câu chuyện này là khi tôi bắt đầu bỏ đi thói quen phán xét cố hữu của bản thân. Khi cô từ chối quyền nuôi con, tôi trợn mắt nói trên đời không có mẹ nào bỏ con cả, em có biết có những người phải đấu tranh cả đời để được nuôi con không. Còn cô bình tĩnh nói con em ở nhà đấy được nuôi dưỡng đầy đủ và được hưởng quyền thừa kế, em có thể nuôi được nhưng chưa chắc đã dạy được nó, chị đừng nghĩ chỉ cần tình mẫu tử là dạy được con, bây giờ em mang nó đi làm chỗ dựa sau này nhưng làm khổ nó.
Chị bạn tôi nghe chuyện bảo: tao nói mày nghe cái con đấy chồng nó bỏ là đúng.
Người lớn bảo: Không nuôi con là dại. Con nó không bỏ bố nhưng nó bỏ mẹ.

Còn tôi gõ lại câu chuyện này thì nhớ đến chuyện Phật và sen bên nhà chị S & S. Chẳng biết thế nào là khôn dại ở đời, nhất là khi tình yêu đã chết.

3 nhận xét:

  1. Người lớn hay nghịch dại nên tình yêu có chết sống gì ko thành vấn đề. Họ cứ vài hôm chết vài hôm sống vô tư như ông sư ấy mà. Chỉ tội cho những đứa trẻ, có đứa thành vô thừa nhận cả đời chỉ biết đến ông bà chẳng biết thế nào là hơi mẹ. Có đứa thành vủ khí cho vợ mang ra trấn lột chồng, có đứa thì...
    Người lớn ai cũng khoe ta có trách nhiệm, ai cũng nói miệng tốt ta dạy con thế này dạy con thế kia, ta yêu con nhất trên đời...nhưng thực tế họ sống và làm ngược hẳn những gì họ nói.

    Và những đứa trẻ, chúng nó hình thành nhân cách từ đó...

    Trả lờiXóa
  2. Dân Việt hay sống thiên về tình cảm. Thế nên khi tình cảm đã mất thì dường như là mất hết. Trong khi đó, tình cảm là thứ mong manh, cảm xúc là thứ dễ vỡ nhất trên đời. Vì không được xây dựng trên nền tảng của hiểu biết và trí tuệ nên tình cảm là thứ không thể tin tưởng tuyệt đối.
    Các đôi vợ chồng khi chia tay chỉ thấy nỗi đau của mình, chỉ thấy tình cảm của mình bị tổn thương mà mất hết lý trí, mất hết tỉnh táo.
    Đó là dân tộc tính mất ròi em gái ơi. Chị ghét nhất là hô hào gìn giữ bản sắc là bởi vì toàn thấy những cái dở của bản sắc mình. Trong khi những cái tốt thì quá ít. Nếu nó dở thì có giữ nó cũng làm cho dân tộc này thêm bi kịch mà thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Hôm nay chị đã biết cách làm nên lại về với em.

    Trả lờiXóa