Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
(Ca dao)
Nhà mình có một giàn trầu không. Câu này nghe quen quen như trong lời bài hát. Dây trầu không gơ từ khi chuyển lên nhà mới, gơ ở góc vườn, trầu không vươn lên bám rễ vào tường gạch, trổ lá xanh um.
Hồi bé cũng chẳng để ý lắm đến giàn trầu. Bà nội có ăn trầu, nhưng bà không ở với mình, nên không hái trầu thường xuyên nhưng vẫn biết lá trầu nhà mình ăn ngon. Lá trầu ngon là lá trầu dầy, già, không phải lá ở ngọn, không phải lá tươi xanh tràn sức sống mà là lá đã ngả sang màu vàng xanh, trên mặt lá có gân và đốm (sao nghe giống mặt người có da nhăn và tàn nhang dzị). Những lá sống gần hết đời lá trầu là lá ăn ngon. Chắc là khi quyện với vỏ, vôi và cau thì nó lên men thế nào đó.
Bây giờ không mấy ai ăn trầu nhưng có một giàn trầu trong nhà vui lắm nhé. Mỗi một tuần rằm đi chợ mua hương hoa thì chỉ cần mua một quả cau, payback lại lá trầu, về nhà ra vườn mình tha hồ chọn một lá trầu đẹp. Một lá trầu đẹp để thắp hương là lá trầu vừa phải, không to quá không bé quá, không non quá không già quá, chọn kỹ phần ngọn lá hay bị cháy (đen), trên mặt lá phải sáng sủa không có những đốm nâu, lá trầu dầy thì trông càng đẹp và chắc chắn.
Giàn trầu không thường ra nhiều lá, ngọn vươn mạnh mẽ đón gió, nắng, không khí, xanh tốt, chiếm lĩnh không gian vào mùa hè. Trầu thường lụi vào cuối đông, khi có sương muối, những lá trầu bé đi, xạm hoặc ngả vàng. Nhà không có giàn trầu, cuối đông chọn lá trầu thắp hương rất khó. Ngày bé đọc câu thơ của Trần Đăng Khoa nên mỗi lần hái trầu dù không vào buổi tối cũng vẫn khua tay đánh thức cả giàn, thấy hay hay như một nghi thức. Trầu không chạ tay được, ít người hái thôi. Nếu mà người lạ vào hái cả giàn thì giàn trầu sẽ lụi, nhiều lần như thế khéo chết dây không chừng.
Có một giàn trầu trong nhà vui lắm nhé. Trầu không chữa nhiều bệnh nên thỉnh thoảng lại thấy có người tít xóm ngoài lạ hươ lạ hoắc vào xin lá trầu. Hay trong xóm có nhà có con trai hỏi vợ, bà mẹ tất tả sang dặn nhà tui đừng bán trầu không cho ai, để đây tôi hái xin hỏi vợ cho thằng H. Hí, có bán cho ai đâu. Có lần trầu đắt (trong năm thế nào cũng có một tuần rằm thời tiết có sương muối lá trầu xấu và đắt) mẹ cho một bà vào hỏi mua hái, bà đó tận thu hái từ gốc đến ngọn, tý nữa chết giàn giầu. Từ đấy cạch.
Xếp 20 lá cạnh nhau thì được 1 "tay" giầu, buộc khéo léo bằng rơm. Nếu không có rơm thì xếp chéo thế nào đó, nếu ai đó đưa cho bạn một tập lá giầu cầm vừa tay có nghĩa là 20 lá đó.
Mà vừa rồi sửa nhà không giữ được giàn giầu nên chợ mua đồ thắp hương rằm tháng Tám phải mua cả lá giầu, tự nhiên hơi khó chịu làm sao . Sao mà một cái nhỏ nhỏ như cái giàn giầu này cũng mất đi theo thời gian vậy, sao mà một cái nhỏ nhỏ đơn giản như giàn giầu cũng thành ký ức.
Tui thoáng nghĩ hay là mình gơ lại một dây trầu. Nhưng mà mất công lắm. Gơ để làm gì, giờ có ai ăn trầu nữa đâu.
dân mình có những phong tục hơi bị hay héng!
Trả lờiXóaBuồn cuời, bữa trước đi SG, ghé chơi Mười tám thôn vườn trầu miệt Hóc Môn. Đi mệt đứt hơi mói tìm thấy một vườn trầu sót lại. Giàn lơ thơ, lá phất phơ, chán lắm.
Trả lờiXóaMình chỉ nhớ những mảng tường trầu không leo xanh ngát hồi sơ tán ở Thái Bình. Nhưng hồi đó nhỏ quá nên chỉ nhớ là nó rất đẹp chứ chưa hiểu ý nghĩa của trâu không như bây giờ.
NLVĐ làm ơn sơn nhà sang màu khác được không. "Hai cái đèn pha" yếu quá, thích đọc mà không nổi. he he
Em cũng muốn thay đổi một chút, nhưng mà không biết làm như nào cả, cũng muốn thêm vào cái chát chít comment nhanh nữa, muốn "chưa chia sẻ hồ sơ người dùng" khi đi comment nhà khác. Nhưng mà u như quả su su. Ai có lòng thì dạy em chầm chậm tý nhé.
Trả lờiXóa