Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Báo cáo ngày

1. Sáng nay lên cơ quan. Sắp xếp phòng mới chỗ ngồi mới. Các đồng nghiệp hầu hết đều trẻ và thân thiện. Cảm giác thoải mái. Có thể đây là một trong những khoảng lặng của chu kỳ sống. Khi mà mình cảm thấy control được mọi thứ.
Tuần trước đang ở nhà thì một em trẻ trẻ gọi điện hỏi chị có cái vé xem ca nhạc ở SVD Mỹ Đình chị có đi không hay chị cho em nhé. Bảo ừ. Hôm nay lên nhìn văn bản mới thấy đó là cái vụ MTV Exit gì đó có mấy em khóc sằng sặc khi nhìn thấy thần tượng ở sân bay mà chị Like đã nhắc tới. Bèn nói với nó là biết ca nhạc hot thế này chị không cho em đâu, chị lấy về đem bán cho mẹ mìn Titi có phải hay không.

2. Mấy hôm trước mọi người bàn tán rôm rả về entry "Lời xin lỗi" bên nhà anh VMC. Mình nghĩ đằng sau việc không thể thốt ra lời xin lỗi đó là cả một thái độ sống về việc "không dám chịu nhận những lầm lẫn của mình". Những người như vậy có thể thành công được không?
Vì chiều nay đi làm về vừa qua đèn xanh các phương tiện đang đà thì cái xe ô tô đằng trước mình đâm vào một xe máy đằng trước nó, nó phanh quá gấp một cái, mình cũng dúi phanh rồi đâm vào đít nó ngã như trong phim, cái ghi đông xe đập thẳng vào ngực, chìa khóa xe bị xoắn lại như một con sâu.
Và trong khi mấy cô bé văn phòng ở bên đường chạy ra dắt xe hỏi han nâng đỡ thì cái xe kia đã kịp đi một đoạn rồi mới dừng lại, thằng lái chiếc xe đẹp ra phết nhìn mình ngồi vệ đường một cách bàng quan rồi không nói một lời lẩn đi.
Mấy cô bé kia gào lên: Anh kia anh định đi luôn đấy à?
Mình đang bị mất giọng rồi bị tức ngực mới điên chứ. Vẫy vẫy nó lại rồi cười khẩy. Anh có thích tôi gọi Police không?
Mấy ông sếp nó từ đằng xa đi lại. Mình bảo: Cái thái độ sống của anh thế là không được. Ở nhà anh có con không?
Huongxua đọc đoạn này mai mốt về VN còn đòi tự chạy xe máy nữa không ta?

3. Mai lại mất thời gian đi chụp chiếu. Bực cả mình.Thày bói bảo đầu năm bị ngã xe máy không tránh được, mình hỏi tháng mấy? thày bảo tháng giêng. Tháng giêng qua lúc nào cũng không nhớ nữa. Nhưng mà hôm nay đã về đến gần nhà rồi lại quay lại đi big C. Ta nói là tham thì thâm thôi. Ở big C khuyến mại toàn thứ linh tinh chẳng có gì hay ho.

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

Lời khuyên của người cha

Giắc xơn Brao

Mỗi ngày con hãy nhớ dành lời khen tặng vài ba người.
Mỗi năm ít nhất một lần con hãy chờ xem mặt trời mọc.
Nhìn thẳng vào mắt mọi người.
Nói lời "cám ơn" càng nhiều càng tốt.
Cũng vậy, nói lời "làm ơn" càng nhiều càng hay.
Hãy sống dưới mức con kiếm được. Đối xử với mọi người như con muốn được họ đối xử như thế.
Kết thêm những người bạn mới nhưng trân trọng những người bạn cũ.
Hãy giữ kỹ những điều bí mật.
Con đừng mất thì giờ học các mánh khoé doanh nghiệp. Hãy học làm doanh nghiệp chân chính.
Dám chịu nhận những lầm lẫn của mình.
Con hãy can đảm. Nếu tự con không được can đảm lắm thì cũng phải tỏ ra can đảm. Người ta không phân biệt một người can đảm với một người tỏ ra can đảm.
Con phải dành thì giờ và tiền bạc làm việc thiện trong cộng đồng của con.
Đừng bao giờ lường gạt một ai.
Học cách lắng nghe. Cơ hội trong đời nhiều khi đến gõ cửa nhà con rất khẽ.
Đừng bao giờ làm cho ai mất hy vọng, nhiều người chỉ sống nhờ hy vọng đấy con ạ.
Con đừng cầu mong của cải, mà phải cầu mong sự khôn ngoan, hiểu biết và lòng can đảm.
Đừng hành động khi con đang giận dữ.
Con phải giữ tư thế đàng hoàng. Muốn đến một nơi nào đó phải có mục đích và tự tin rồi hãy đến.
Hãy sẵn sàng thua một trận để chiến thắng một cuộc chiến.
Đừng bao giờ ngồi lê đôi mách.
Cẩn thận với những kẻ nào mà họ không còn gì để mất.
Khi gặp một nhiệm vụ khó khăn, con hãy hành động như không thể nào bị thất bại.
Đừng giao du quá rộng. Phải học cách trả lời "không" một cách lễ phép và dứt khoát.
Đừng mong chờ cuộc đời đối xử sòng phẳng với con.
Đừng đánh giá thấp sức mạnh của sự tha thứ.
Con hãy mạnh dạn trong cuộc sống.
Khi nhìn những quãng đời đã qua, hãy tiếc những gì chưa làm được chứ đừng tiếc những điều đã làm xong.
Đừng quan tâm đến bè nhóm. Những ý tưởng mới mẻ, cao thượng và có tác động đến cuộc sống luôn luôn là những ý tưởng của các cá nhân biết làm việc.
Những nhạc sĩ trình diễn bên đường thường có nhiều điều đáng trân trọng. Con hãy dừng lại, lắng nghe và nhớ tặng gì đó cho họ.
Khi gặp vấn đề trầm trọng về sức khoẻ, con hãy nhờ ít nhất ba vị thầy thuốc khác nhau xem xét.
Hãy chiến đấu chống thói vô trật tự.
Đừng tập thói trì hoãn công việc.
Làm ngay những gì cần phải làm vào đúng lúc phải làm.
Không ai chờ đến lúc hấp hối để nói "giá như tôi còn thêm được thời gian...".
Đừng sợ phải nói "Tôi không biết".
Đừng sợ phải nói "Xin lỗi, rất tiếc...".
Hãy ghi sẵn những điều gì con muốn được trải qua trong cuộc đời. Luôn luôn mang theo trong túi áo bảng ghi những điều đó, và thường xuyên tìm cơ hội có thể được để thực hiện.
Hãy gọi điện cho mẹ con
.

Những điều mẹ ước cho con

Lee Pits


Mẹ mong con biết thế nào là mặc lại quần áo cũ của anh chị, là ăn lại thức ăn thừa của ngày hôm qua… là đói, là mệt, là đổ mồ hôi... Mẹ thực sự mong như thế.

Mẹ mong con biết thế nào là thất bại để học lấy sự khiêm tốn. Biết thế nào là thành công để học lấy sự tự tin. Và cư xử trung thực ngay cả trong những chuyện chỉ mình con biết.

Mẹ mong con biết lau dọn nhà cửa và biết rửa xe, và mẹ mong đừng ai tặng con một món quà đắt tiền khi con mới 17 tuổi.

Mẹ mong con một lần nhìn thấy một chú bê con ra đời, và biết chăm sóc con chó già ốm yếu, xấu xí và thường nằm bẹp góc nhà.

Mẹ mong con đánh nhau đến sưng mắt để bảo vệ một điều mà con vẫn hằng tin.

Mẹ mong con chia sẻ phòng của con với em con. Cũng được nếu con kẻ một vạch phấn để ngăn đôi căn phòng, nhưng nếu em con muốn chui vào chăm ngủ cùng con vì nó sợ cái gì đó lúc nửa đêm thì mẹ mong là con hãy ôm lấy em.

Và khi con muốn chơi trò chơi điện tử, còn em con muốn con chơi cùng thì mẹ hy vọng là con sẽ chọn em.

Nếu con muốn một cây súng cao su, mẹ mong bố con dạy con tự làm lấy một cái thay vì cho tiền con để mua nó. Mẹ mong con biết đào hố trồng cây và đọc sách. Và khi con biết sử dụng computer, con vẫn biết làm tính nhẩm.

Mẹ mong con bị bạn bè chê cười khi con xô đẩy, trêu chọc một bạn gái. Và khi con chạy về mách bố con, bố sẽ yêu cầu con đi xin lỗi bạn.

Mẹ mong gì con bị trầy da khi leo núi, bỏng tay khi nấu bếp và dính lưỡi khi dại dột liếm đá. Những bài học nho nhỏ ấy sẽ dạy con rất nhiều điều về sự cẩn trọng và giữ an toàn cho bản thân con, vì con và những người yêu thương con.

Mẹ ước gì con thấy khó chịu khi ai đó phì khói thuốc lá vào mặt con. Mẹ cũng chẳng ngại nếu con thử một chén rượu, nhưng mẹ mong con không thích. Và nếu như một người bạn rủ con thử một loại ma túy, thì mẹ mong con đủ thông mình để nhận ra rằng người đó không phải bạn con.

Mẹ thực sự mong con dành thời gian đi câu cá với ông.

Đó là những điều mẹ mong con nhận được mỗi ngày. Những giờ phút khó khăn, thất vọng, làm việc chăm chỉ và hạnh phúc.

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

Báo cáo tháng

Dạo này đóng cửa luyện đan. He he, hôm nay đan đã ra lò gần xong. Thi cử thì cũng chã có gì đặc biệt. Em chã. Có điều từ trước tới nay là phó thường dân mất dép nay tự nhiên được đôn lên hàng vip vì một ngày có mấy chục cuộc điện thoại gửi gắm nhờ giúp đỡ cho em cháu nó ngồi cùng phòng nó nhìn bài tiếng Anh với. Hí hí, gõ cái đoạn này là cũng ngượng tay phết đấy, tiếng Anh của em thì các đại ca hiền biết rồi, nghe hai thằng tây nói chuyện với nhau là tối tăm mặt mũi không biết thằng nào đúng thằng nào sai, thế mà bi giờ lại được tin cậy ta nói từ phó thường dân tâng lên hàng vĩ nhân tỉnh lẻ trong lòng vô cùng chênh vênh Cát Trọng Lý. Mà họp lớp là các bạn thảo kế hoạch tác chiến theo phương thức vết dầu loang nha, tức là chú làm được ngồi giữa các chú xung quanh chép xong phải loang ra loang ra chứ không được chặn nguồn là mất cơ hội của các chú khác. Hí hí. Thi cử ở Ziệt Nam vui cực. Ta rút ra kết luận là vinh quang chỗ này cúi đầu chỗ khác, nghĩ đến cảnh anh H - đội trưởng trọng án HN - sáng nay chờ giám thị gọi vào phòng thi mặt tái dai như gà cắt tiết mà buồn cười không thể tả.
Gõ đến đây lại nhớ chuyện ngày xưa làm tài liệu môn văn cho bạn H đi thi tại chức. Tiêu chí tự đặt ra là bộ tài liệu phải độc mà hay rụng rời không giống bất cứ một bộ tài liệu nào bán ở cổng trường. Đề thi năm đấy là cái gì tả cảnh những đêm tình mùa xuân đang tới của Mị. Bạn H thi xong mình hỏi mày có chép được không. Bạn hồ hởi chép được hết, mày làm hay lắm. Mà tao hỏi cái đoạn mấy câu thơ có phải mày nhầm chữ pháo thành chữ pao không?
Giời ạ. Mấy câu thơ ấy thế này "Anh ném pao/ Em không bắt/ Em không yêu/ Quả pao rơi rồi..."
Bạn H của tớ sửa hết các chữ pao thành chữ pháo.
Năm ấy bạn ấy thiếu đúng nửa điểm. Nếu mà bạn không sáng tạo cải biên đi thì cũng đỗ rồi đấy.

He he. Vì đóng cửa luyện đan nên cũng ăn kiêng được hơn 3 tuần, nói cho công bằng thì cũng giảm được mấy cưn nhưng mờ hôm nọ chân tay tự nhiên lạnh toát, soi gương thấy mặt mình giống mấy cô diễn viên trong phim Người còn sót lại của rừng cười nên từ hôm kia tới nay ta nói là ăn phá kho thóc Nhật lun. Phải ăn để lấy sức mai còn làm tàu chở dầu bị đắm cho các bạn hiền chớ.
Bạn học sau này thể nào chả có vài bạn trở thành bạn hiền. Nhở?

Cho ngày nhớ

Trưa nay, hàn thử biểu trên tường chỉ 37, 38 độ. Tớ ngồi trên tầng hai phòng làm việc nhìn xuống đường, người và xe vội vã, nắng chói chang, nắng dư thừa xuyên qua tán lá, và lá sấu rụng trải thảm xuống mặt đường mỗi cơn gió đi qua. Thời tiết khắc nghiệt quá, và tớ nhớ.

Tớ nhớ mùa hè năm ấy, bố đưa tớ đi thi đại học. HN hiện ra lần đầu tiên trong mắt tớ bằng cái mùa nắng như thế này, ồn ã, xô bồ và lam lũ hơn. Giữa hai đợt thi cách nhau 5 ngày ấy, tớ ở trọ trong bệnh xá trường AN và nhà A7 SP1, chỉ có mấy ngày thôi mà thấy như mình sống đời sống sinh viên rồi, nỗi hình dung về một cuộc sống mới diễn ra trong đầu với bao ngơ ngác, hân hoan, lạ lẫm, rụt rè, mơ ước và kỳ vọng; ơi những người bạn tình cờ ngày ấy giờ đang ở đâu làm gì? Chúng ta giống như chỉ cùng nhau đi trên một chuyến tàu, mà cuộc đời có vô số nhà ga.

Đã qua ngày 31/3 - hạn cuối của ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi các trường ĐH. Nếu bạn, được quay trở lại tuổi Vàng Anh hồi đó, bạn có chọn nghề mà bạn đang làm bây giờ không? Truyền thống gia đình, sự thành đạt của người hàng xóm, ảnh hưởng của truyền thông, năng khiếu và nỗi đam mê - điều gì ảnh hưởng đến sự lựa chọn của bạn?

Còn hơn một tháng nữa là đến mùa thi đại học, và tớ lại được nhìn thấy cái cảnh chen chúc ở các bến tàu bến xe, các ông bố bà mẹ ngồi thành đám đông dưới những tán cây giữa mùa hè dội lửa, tớ nhớ đến một bài hát tớ luôn hát trong tháng 6, rằng: Em bắt đầu nơi anh đi qua. Mọi con đường đi lên của nhân loại bắt đầu từ nhà trường. Tớ đã đi qua mùa thi khắc nghiệt. Tớ còn phải đi qua bao nhiêu mùa thi cuộc đời nữa? Cuộc đời dài rộng mà bản thân mình bé nhỏ biết bao nhiêu!

'Ta còn em một hàng Đào

Không bán đào

Một hàng Bạc không còn thợ bạc

Đường Trường Thi

Không chõng không lều

Không ông nghè bái tổ..

Vinh quy..."
__________________

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

Thư Hà Nội

Cảm ơn bạn L đã chuyển link, một việc tốt mà bạn gọi là "Vì sự nghiệp văn chương của quá khứ"


T thương yêu!
Tao đang ngồi ở cơ quan và viết thư cho mày, nhìn qua ô cửa kính trời nắng lên và dòng người thì trôi mải miết. Con đường này vẫn đẹp thế, nếu gạt hết mọi nỗi lo âu qua một bên thấy một Hà Nội đẹp mà vẫn thanh bình, phố chính nhưng ít biến động.
Tao vẫn thế, Th ạ. Đi mãi đi mãi mà chẳng tìm thấy mục đích của đời mình. Mày đã từng bảo tao là sao tao chẳng bao giờ hài lòng với cuộc sống thế. Lúc đấy tao không nhìn ra những khó khăn khi lựa chọn một thái độ sống, có những cái tao luôn ngu ngơ, và dại dột. Tết rồi, đi ăn với P cối, B tiến, T tường nói ra điều ấy lại được thằng B động viên là bằng tuổi mình có ai hài lòng với cuộc sống của mình đâu mà phải buồn. Nói thế, không buồn sao được khi bằng này tuổi mà vẫn chẳng có gì là của tao, nhiều khi nhắm mắt lại không dám tưởng tượng đến một ngày mai mà một mình đi trên đường, ăn tối một mình, sửa xe một mình, những thói quen thâm căn cố đế là đọc truyện, đọc báo SV, đi ngủ muộn, dậy muộn..không bao giờ có dịp thay đổi vì không có gì thế chỗ. Có chị bạn tha thiết bảo tao là đừng nhạy cảm quá như thế. Sau này.....

Tao lâu rồi cũng không gọi điện cho con Ng, chúng mày đứa nào cũng bận rộn quay cuồng chuyện chồng tháng này đưa bao nhiêu tiền, mua thêm bộ bàn ghế chờ Tết đến, hay thay đổi thời tiết là trẻ con dễ bị viêm phổi, chuyện sinh đứa thứ hai hay là tránh thai như thế nào. Tao thì quay cuồng với báo cáo nộp cho sếp, tất tả đến lớp học thêm, cáu gắt nhặng xị với thằng H, quay cuồng với tiền nhà, tiền điện thoại, tiền đi nhà sách, chìm đắm trong những mối tình được miêu tả một cách lãng mạn kinh điển. Và không ngừng mơ ước. Và không biết làm thế nào để biến giấc mơ thành hiện thực.
Tao có nhiều bạn gái. Họ thật sự tôn trọng và gần đây hình như hơi thương xót tao. Đi qua nhiều môi trường, ở đâu tao cũng có những người thân thiết chia sẻ những khó khăn cả vật chất và tinh thần, tao cũng chẳng chọn bạn mà chơi đâu, họ tự chọn thôi. Nhưng cũng không có ai như tao với mày cả, bây giờ cả năm có khi chỉ gặp 2 lần nhưng luôn yêu thương nhau, luôn luôn nhớ về nhau, có những lúc trong một không gian nào đó của niềm vui, của sự khám phá những điều mới lạ, giữa những người bạn tao thường tự nhủ giá mà có cái Thoa ở đây nhỉ. Còn mày thì năm nay đi chùa cũng cầu cho tao tìm được người yêu thương. Th à, tao giật mình khi nghĩ mình đã thân nhau được 20 năm, sao cái hồi bé tí ấy biết gì mà vừa gặp nhau đã thân nhau được nhỉ. Thời gian thì cũng chẳng phải tiêu chí. Cảm giác mới là điều quan trọng, cảm giác của bọn mình như là đang đi một đôi giầy cao gót được xỏ chân vào một đôi dép lê ở nhà ấy, ấm áp và an toàn.
Tao lập một box trên mạng, viết những dòng tự sự cho người tao yêu thương như một nhu cầu chia sẻ với những người vô hình, ở trên mạng cũng có nhiều cái hay, tao cũng tìm được tình bạn ở đó, những người có thế giới nội tâm phức tạp, nhạy cảm, cầu toàn và đa phần có những thất bại nhỏ trong chuyện tình cảm. Tao cũng viết cho mày ở đây, dù mày xa lạ với thế giới này nhưng lúc nào tiện thì tao in ra, gửi đi. Viết tay bây giờ chữ xấu lắm. Con cún bây giờ khôn lắm rồi nhỉ, hôm Tết gọi điện hỏi cô à, cô có nói chuyện với bạn cháu không mà tao cứ buồn cười mãi. Buổi tối đi ngủ mày đọc truyện cho nó nghe nhé, không biết nó có thích không, hôm nào tao sẽ đi mua cho nó quyển Buratinô, tao nhớ hồi bé tao được đọc quyển đấy mà, tao có ý định đào tạo nó trở thành một người đọc nhiều , ha ha.23/02/06 @ 02:06:PM

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

Thích

Thích ở chỗ núi cao vực sâu, những chỗ không một bóng người, hoang vắng và hùng vĩ.Và tan loãng trong thiên nhiên.
Nhưng mà chả có chỗ nào không có bóng người. Nên cũng thích biển đêm không trăng không sao, chỉ có tiếng sóng ầm ì nhẫn nại, tiếng một người dè dặt; Anh thổi tiêu nghe hay quá; người kia thì giật mình Cô đấy à, tôi cứ tưởng ma. Ờ cái này là truyện ngắn gì học hồi cấp 2.
Thích nhớ đến một ai đó. Mơ hồ, bất chợt, bảng lảng. Cái này không ở trong truyện ngắn nào cả.
Thích ôm một đứa trẻ con xa lạ thơm như kẹo. Và thật khoái nếu nó chịu cho mình ôm.
Thích ở nhà trong khi toàn xã hội đi làm. Tắm, nấu ăn, nghe nhạc, gõ bàn phím.

Như lúc này.
Đang phê.

Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2010

Những ô cửa xanh*

Papa
Có những lúc con nhớ bố tưởng chết đi được. Vào lúc khác cơ, không phải lúc này đâu . Lúc này đang là đêm khuya thanh vắng, khuya cực, mà có khi gần sáng òi, buổi chiều ngủ nhiều quá nên bây giờ con nghe nhạc vẩn vơ và quyết định nhớ bố.
Sao mà nhớ thế
Không biết thằng H nó có nhớ bố không nhờ, nó có nhớ thường xuyên không. Còn con toàn nhớ đánh đùng một cái, kiểu như đi vào siêu thị nhìn thấy hàng quần áo nam. Là tự nhiên nhớ.
Bố không biết đâu. Ngày xưa có lần hai chị em đang thuê nhà thì bị đuổi á. Đồ đạc thì con mắc bệnh đàng hoàng, cả tủ lạnh bếp ga máy giặt cũ ra tất ngoài đường á. Lúc đó con giận bố ghê gớm. Sao bố biến mất khỏi cuộc đời con. Con không cần ai làm hộ cả. Chỉ cần bố còn đấy để nghĩ về thôi.
Bây giờ thì ổn thỏa rồi. Hẳn nhiên rồi. Đã bao thời gian đi qua còn gì. Bây giờ gặp khó khăn con không có thói quen cầu bố phù hộ cho con như ngày xưa nữa. Vì con biết, tự con sẽ vượt qua được. Con làm được hết.
Không có bố thì con vẫn sống đấy thôi. Nhưng mà con buồn lắm. Bao nhiêu tuổi rồi. Cứ thỉnh thoảng lại khóc như một kẻ hèn yếu trên đời.

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010

Truyện ngắn của tháng




Tôi thích đọc những tản văn ngọt ngào đôn hậu của Thụy Anh, một người viết, viết yêu cuộc sống. Hôm nay đọc được một truyện ngắn của chị thấy hay quá, coppy vào đây. Nhân "Tuần lễ phụ nữ quốc gia" vừa mới đi qua:D

Sợi tóc


Tâm nhăn mặt. Cảm giác lợm giọng dậy lên, mặc dù trước đó mấy phút, anh còn đang thấy hoàn toàn hài lòng với món súp củ cải đỏ chua dịu, ngầy ngậy váng sữa đang tan mà Hương đặt ngay trước mặt anh khi anh vừa ngồi xuống bàn. Súp nóng đến nỗi sờ vào mặt bàn cũng thấy ấm. Mấy miếng bánh mì đen, đĩa dưa chuột, cà chua tươi trộn dầu ăn điểm loáng thoáng một vài quả ôliu đen thẫm, bên cạnh là cốc vodka, loại cốc thủy tinh nhiều khía mà anh ưa thích. Vodka cứ phải rót vào cốc ấy mới được, vừa đầy đặn, vừa trong vắt khiến anh có cảm giác uống thứ rượu đó vào, đầu óc sẽ sáng suốt quang quẻ ra. Khăn ăn, khăn giải bàn vải thô, cùng một màu be dịu mắt. Trên bếp, ấm nước sôi đang phì hơi trắng, tỏa mùi nồng nồng của nước nóng, khiến má và tai đỏ ửng vì tuyết lạnh của anh như đang nguội dần. Căn bếp của hai vợ chồng anh ở xứ sở này, tuy bé nhỏ nhưng thật ấm, thật gọn. Và anh rất tự hào về vợ mình. Cứ dăm bữa nửa tháng lại rủ bạn bè về nhậu. Đôi khi không báo trước, cứ đột ngột đưa về cả một tiểu đội. Vậy mà Hương chẳng kêu ca nửa lời. Lúc nào cô cũng dự trữ sẵn trong ngăn đá rất nhiều đồ ăn, từ tôm “con hổ” xanh xanh vằn vện đắt tiền đến cá scumbria thịt vừa ngậy vừa chắc, và thịt lợn hoặc thịt bò xay sẵn để thành từng gói… Rồi lại hì hụi nấu nấu nướng nướng, bày biện xanh đỏ tím vàng, chỉ một loáng là thành mâm cỗ cho đám đàn ông khề khà cả tối.

Chỉ có điều, những tháng gần đây Tâm rất hay mất hứng khi ăn cơm ở nhà. Anh nhăn mặt nhặt ra từ trong miệng một sợi tóc mảnh. Tóc của Hương. Ẩu quá! Tâm bực bội. Dọn cơm cho chồng ăn thế đã là không ổn, những lúc có bạn có bè mà tóc của Hương vẫn cứ vài sợi quấn quýt trong đĩa nộm, hoặc lơ phơ trong bát canh măng là anh nhìn cô, mắt tóe lửa. Lạ nữa là, góp ý nhiều lần mà cô… vẫn tái phạm. Giờ, mỗi lần phát hiện ra một sợi tóc, anh lại cười khẩy đưa nó lên cao, nói: “Mì chính cho canh thêm ngọt!”. Anh thấy đắc thắng khi Hương cuống quýt đem sợi tóc vứt đi, mắt long lanh chực khóc. “Còn trẻ con lắm ấy! Quá ẩu! – anh nghĩ thầm. – Dạy vợ là cứ phải nghiêm, chẳng rồi sau này có tuổi, dám cho chồng đau bụng lắm!”.

Một tối, sinh nhật Tâm. Thường thì anh đã đặt nhà hàng. Nhưng năm nay rét đậm, tuyết rơi dày, mọi người ngại đến nhà hàng. Ngồi trong nhà Tâm vẫn ấm cúng hơn. Nhà lại gọn gàng vì không có trẻ con. Tâm và Hương cưới nhau đã mười năm, con trai 7 tuổi hai vợ chồng gửi về cho ông bà hai năm nay để đi học vì Tâm cũng không định ở đây lâu nữa. Căn hộ lớn ở phía Nam Matxcơva anh vẫn sửa lại rất đẹp. Sàn gỗ, thảm len Thổ nhĩ kỳ, góc nhà lại có một cái lò sưởi gạch đỏ, chỉ được nhóm lửa lên mỗi khi hai vợ chồng có những buổi tối lãng mạn hiếm hoi bên nhau, thường là vào mùa Thu, khi mưa giá tỏa làn khí mù ẩm ướt bên ngoài. Hương lấy nhúm lá bạc hà cô hái được trong rừng rồi sấy khô từ hồi Hè ra, thả vào chiếc ấm gốm to, hãm nước. Nước trà bạc hà thơm đến nỗi không thể gọi là thơm nữa. Ngồi cạnh bếp lò có những ngọn lửa nhỏ quấn riết lấy khúc củi bạch dương, mùi thơm của tách trà bạc hà có thể gọi là mùi hương bình an, khiến lòng chẳng còn muốn bon chen, làm nguội hoàn toàn tham vọng kiếm tiền vẫn bừng bừng hàng ngày trong Tâm, trong những người bạn của Tâm. Tâm vẫn thường đùa vợ: “Em làm nhụt chí trai!”…

Lần này, sau khi ăn nhậu xong, đã ngà ngà say, mọi người được thưởng thức tách trà “làm nhụt chí trai” của Hương bên bếp lửa. Ai nấy đều như thở ra một hơi thật dài, trút bỏ hết những suy nghĩ vương vấn về những hợp đồng chưa ký được, những dự án chưa hoàn thành, những công hàng vẫn đang lênh đênh ngoài biển… Vợ một anh bạn tò mò hỏi Hương cách sấy lá bạc hà. Hương sôi nổi kể: “Lá bạc hà ở ngoài rừng nhiều lắm, em hái cả mấy cái lá có hoa trắng, chẳng biết tên là gì, nhưng người Nga nói là uống mát gan, rồi đem về rửa sạch, đợi thật ráo nước, cho cả vào lò sấy. Thế mới sạch, chứ phơi ngoài không khí để không được lâu, lá trà lại vẫn ngậm nước… Hãm thì cũng cứ hãm như trà thường thôi. Đun nước thật sôi đổ vào là xong!”

Tâm tiếp lời: “Thiếu!” Hương ngạc nhiên nhìn anh, Tâm cười cười, nói: “Còn một thành phần quan trọng. Là tóc!”. Mọi người cười xòa, nhưng ngơ ngác. Rõ ràng không ai hiểu ẩn ý của Tâm. Chỉ có Hương là tái mặt. Mắt cô đỏ lên. Cô quay vào buồng ngủ. Lát sau, cô ra hành lang khoác áo, đi ủng… và nói với mọi người: “Các anh chị ngồi chơi, em chạy xuống đường mua thêm thuốc lá”.

Không ai để ý là Hương đi rất lâu. Mọi người đã về hết rồi, bát đĩa rếch vẫn đầy trên bàn, những tách trà đã uống hết vẫn vương vãi đây đó quanh phòng khách. Tâm lả giả bảo mọi người, cứ để đấy Hương về Hương lo, một loáng là xong mà, cô ấy quen rồi. Nhưng hút đến điếu thuốc thứ ba ngoài bếp mà Hương vẫn chưa về, Tâm bắt đầu nóng ruột. Anh mặc ấm, lao xuống đường. Ngoài trời, tuyết đang rơi đợt cuối của một ngày. Tuyết mảnh như những giọt mưa trắng, bay lấp lánh dưới ánh đèn cao áp. Trong gió, không rõ tuyết đang từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất túa lên nữa. Anh nhìn thấy Hương đang ngồi bất động trên chiếc ghế gỗ trong sân, ngay dưới cột đèn. Cô để đầu trần, tóc xõa ra. Tuyết bay quanh làm mái tóc như được bao phủ một quầng sáng nhỏ. Trước đây tóc Hương rất dài và mượt. Không hiểu sao dạo này cô để tóc ngắn, những lọn tóc nhỏ bám vào má, trông ngắn ngủn khó chịu. Anh vốn thích vợ để tóc dài. Hương biết vậy mà vẫn cắt tóc, hình như nghe lời khuyên của cô bạn gái nào đó, cô muốn đổi mới mình. Hừm. Có lẽ cũng vì chuyện này mà gần đây anh thấy hậm hực trong lòng, hai vợ chồng chẳng mấy khi nói được với nhau câu chuyện tử tế.

Tâm gạt tuyết trên ghế, ngồi xuống cạnh vợ. Anh chưa biết nói gì vào lúc này. Cũng không xác định được mình đang bực bội hay cảm thấy nhẹ cả người vì tìm ra Hương. Anh im lặng. Mùi tuyết dậy lên, phải rồi, như trong một truyện ngắn của Nga anh từng đọc, người ta ví mùi tuyết với mùi dưa hấu. Mọi cáu giận trong anh đã biến mất. Bỗng, Hương ngả đầu vào vai anh. Mái tóc cô đã ướt đầm, cọ vào má anh lành lạnh, khiến anh rùng mình. Cô nói khe khẽ: “Anh xem này, lâu rồi anh không chạm vào tóc em. Anh có nhớ, ngày xưa nó dày thế nào không?” “Anh nhớ”. Hồi mới yêu nhau, cô hay tết tóc hai bên. Mỗi bím tóc chật cả lòng bàn tay anh. Tâm bất giác đưa tay vuốt tóc Hương. Bàn tay anh ẩm ướt. Mái tóc ngắn cũn tội nghiệp nằm gọn trong lòng tay, chỉ còn một dúm. Anh hoảng hốt: “Sao vậy em?” “Không sao, anh ạ. Chỉ là tóc rụng quá nhiều. Ai rồi cũng đến lúc thế.” Rồi đột nhiên, cô giật một sợi, kêu lên một tiếng nhỏ như thể chính bản thân cô cũng bất ngờ về hành động của mình. “Anh cầm đi. Anh vẫn bảo, tóc em là tóc tơ, nghĩa là em sướng. Tóc ai cứng như chổi rễ tre là khổ.”, - Hương cười khẽ. – “ Anh có còn nhớ, hồi chưa sang đây với anh, em đã từng gửi cho anh một sợi tóc trong bức thư không? Anh bảo rằng, anh để sợi tóc lên ngực, và như thấy em đang áp mặt vào ngực anh, ở chỗ tim”. “Anh nhớ”.

“Dạo này tóc em rụng nhiều quá, mắt em thì cận, em…” “Thôi, em đừng nói nữa” – Tâm thấy nghẹn cổ, đưa tay giằng cái khăn quàng. Hương sang Nga đoàn tụ với anh rồi mới bị cận. Mắt Hương cận 1,5 đi-ôp, nhưng anh không thích cô đeo kính. Anh muốn thấy cô như cô gái hồi nào anh yêu, như người vợ anh cưới về, xinh xắn, tóc dài, mắt tròn sáng. Chiều anh, cô chỉ dùng kính mỗi khi đọc sách hoặc xem phim, vả lại cô cận cũng không nặng lắm, không đeo có vẻ cũng chẳng sao…

Bây giờ, trong đêm tuyết rơi, mắt cô như tối thẫm đi, tương phản với màu trắng sữa đang rực sáng lên ở xung quanh.

Tâm quàng tay ôm Hương vào ngực, anh vẫn nắm chặt sợi tóc nhỏ của cô trong lòng bàn tay to lớn của mình. Tóc tơ, mảnh như không hề có…

Thụy Anh

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Nhạt II

Lụt.
Ngập đến tận cổ. Nên đi viết blog thôi. Chứ nhìn mấy thứ phải làm từ giờ đến cuối tháng là hoảng sợ.
Bỗng dưng muốn đi chùa Keo. Mùa xuân này. Chùa Keo với mái ngói vảy cá cong vòng, màu của mái ngói là màu nâu cơ mà, sao em thấy nó ánh lên rực rỡ, đẹp lắm. Đi chùa Keo hồi sinh viên, chùa cổ, mà xung quanh vẫn là ruộng lúa, hay ít ra còn rất quang đãng. Bây giờ. Không biết người ta đã làm đường cấp phối, xây nhà lên để trông giữ xe, đổi tiền lẻ và bán bánh cáy - chưa? Nếu đi chùa Keo, nhìn cảnh ấy, chắc em sẽ buồn.
Mùa xuân. Ở dưới đường nhà em có một cây xoan. Em thấy cây xoan chẳng được tích sự gì. Nó mà nở hoa là có nhiều muỗi lắm. Nhưng mùa xuân em hay nhớ đến mấy câu thơ về hoa xoan và hội đình làng Đặng, em thích mấy câu thơ ấy, dù không yêu hoa xoan. Mà mỗi lần nhẩm mấy câu thơ ấy là em lại nghĩ đến Thái Bình, ở đâu mà chẳng có xoan, isn't ít? mà em cứ nghĩ mấy câu thơ viết riêng cho vùng đất thuần hiền ấy. À, Thái Bình là quê nội em.
Bỗng dưng bị tịt.
Em vẫn nghĩ người ta thường viết ra một cái gì đó khi buồn. Em không gõ ra cái gì, chắc là vì em đang man mác thôi. Yếu ớt và nửa vời.
Như con mèo
kiu
Meo!

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

Có một miền lửa nhỏ trong mắt em

Như Ý - Floret

Anh muốn nói với em một điều rất dữ dội
Sau rất nhiều lầm lỗi đã đi qua
Đây không phải chuyện bông hoa bị bỏ quên trong quyển vở
Chuyện những dòng sông mùa mưa rủ nhau đi tìm cửa bể
Hay chuyện một mái tóc thề ngan ngát hương chanh
Đây là chuyện đã bỏ đi thuở anh còn trai trẻ
Đem nước mắt khóc người trong câu ví
"Em như hoa quế giữa rừng
Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay"
Chuyện cô gái làng Đông
Thương mẹ thương cha đi lấy chồng làng Hạ
Làng dưới làng trên cách một dòng sông
Muốn về bên mẹ mà không có đò

Bây giờ!
Dẫu anh đi muôn nơi
Trên những vùng đất khác nhau của một vòm trời
Nơi cây phong non mùa thu trùm khăn đỏ
Mùa đông hoa tuyết trắng trời
Anh vẫn thấy lòng mình bỡ ngỡ khi em nói
"Tình yêu như thể chắp thừng
Trăm chắp nghìn nối xin đừng quên nhau"

Chẳng thể quên đâu
Nhưng tất cả bây giờ đã muộn
Cây phong non gió đàn trụi lá
Mặt đất tuyết đã bồng bềnh
Những câu hát xưa lâu ngày bỏ bẵng
Mặc dòng sông mùa nắng mùa mưa

Anh lặng lẽ nhìn lên đôi bàn tay
Xem duyên số đời mình trong những ngày còn lại
May rủi giao nhau chằng chịt đường vân
Chẳng có đường nào là đường anh gặp em
Chỉ thẳng suốt một đường cô độc

Tháng chín đi qua!
Ngấp nghé mùa thu trong mắt lá
Nghe lòng mình trở lại bình yên
Anh nhìn vào đôi mắt em
Thấy bừng sáng một miền lửa nhỏ
Ở xa, rất xa nơi tận cùng trí nhớ
Thuở anh còn trai trẻ
Đem nước mắt khóc người trong câu ví
Để đến tận bây giờ những điều đơn giản thế
Hết nửa cuộc đời anh mới hiểu ra

Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2010

Nhạt

Đi ba ngày ở chỗ không có nét. Về đến nhà đầu óc vẫn còn vương vấn bởi một câu chuyện đời nên 3 giờ sáng vẫn chưa ngủ được đành lang thang online, gọi là đọc trả bữa, he he. Kết quả là hôm nay ở nhà định làm một số việc mà bây giờ mới dậy. Xong một buổi sáng.