Patrice JORLAND
Bài viết kỷ niệm 1000 năm Thăng Long
Khi tôi tới Hà Nội, cuối tháng 9 năm 1983, người ta chỉ có thể qua lại sông Hồng bằng cầu Long Biên - cây cầu mang đậm dấu ấn của thời gian và chiến tranh; tàu điện chạy với vận tốc thật chậm trong thành cổ; xe tải chỉ có một đèn như là "người chột" và người dân đi lại bằng xe đạp không đèn cũng không phanh. Sau khi trời sập tối rất nhanh, chỉ có vài ngọn đèn dầu le lói giúp người dân đi bộ dò dẫm trên vỉa hè và tránh ổ gà. Thời kỳ đó thật là khó khăn đối với người dân Việt Nam, tiếp tế khó khăn và thiếu thốn phổ biến. Vì vậy các gia đình tăng gia cải thiện đời sống bằng cách nuôi gà và lợn. Ta có thể thấy lợn ủn ỉn ở trước cửa nhà hay gà cục ta cục tác từ ban công, hay hôm nào đó ta nhìn thấy ở gần Bưu điện trung tâm một cậu bé lùa những chú ngỗng của mình. Trong những việc làm thêm, có người chuyên vá xăm và bơm lốp xe, có người nạp ga bật lửa. Điện bị cắt thường xuyên và lâu, cung cấp nước không đảm bảo. Vì điện thoại và bưu chính hoạt động không tốt nên người dân phải di chuyển mỗi khi cần bất cứ sự liên lạc nào. Mùa đông là mùa khắc nghiệt nhất trong năm với mưa phùn. Người dân đội mũ kín đầu và quàng khăn len nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là họ vẫn đi xăng đan với chân trần không tất.
Cũng như những thành viên khác của ĐSQ Pháp, nơi tôi làm việc, tôi đã sớm bị thuyết phục bởi vẻ quyến rũ của Hà Nội. Ngày hôm nay cũng vậy, với tôi, người có cơ hội biết đến mọi vẻ đẹp, của châu Âu cũng như của châu Á hay Hoa Kỳ, nơi đây vẫn luôn là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới :)
Người ta có thể tin rằng sức hấp dẫn đến từ nét trữ tình của những cảnh sống thường nhật, nhưng điều đó được tìm thấy dưới một cách khác ở Việt Nam, cũng như trong phần lớn những nước châu Á khác. Quả vậy, ngồi xung quanh những chiếc bàn ngay trên vỉa hè trên chiếc ghế bé xíu người ta có thể thưởng thức một bát cháo và nói chuyện với những người bạn và còn có thể thưởng thức cả những khu chợ và âm thanh cũng như mùi đặc trưng của những quầy hàng trong chợ. Những điều đó nói lên rất nhiều nhưng không phải là điều quan trọng nhất. Điều làm nên thành phố trước hết là không gian và quy hoạch đô thị của nó.
Địa hình Hà Nội phẳng, nếu không kể đến những chỗ lồi lõm mà từ đó có thể bao quát cả thủ đô chỉ trong một ánh nhìn thì bạn thấy đường chân trời cũng phẳng. Mặc dù Hà Nội rất giàu có về di tích lịch sử, nhưng không hề có một tòa lâu đài nguy nga hay những ngôi miếu oai nghi. Vì thế mà cần phải tìm về những nguyên tố cơ bản, theo luật phong thủy, hiển nhiên là thế. Người châu Âu quan niệm có bốn nguyên tố: nước, đất, lửa, gió, còn đối với người Việt Nam thì có năm: nước, đất, gỗ, lửa và kim loại. Hà Nội được tạo thành từ sự kết hợp giữa những yếu tố trên, mà trước nhất là ba yếu tố đầu tiên. Nói rằng Việt Nam là nơi lưỡng thổ, với các vùng đồng bằng và đồi núi thật không chính xác; nói rằng thực vật khắp nơi đây đều gắn với đất và nước thật ra chỉ là mô tả những gì ta có thể nhìn thấy từ chòi canh Tam Đảo hoặc từ bất kỳ ngôi làng nào. Người ta vẫn nhắc lại ở đây nhiều sự tích, đặc biệt là sự tích cuộc tranh đua giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Thủy Tinh xuất hiện cùng sông Hồng và những trận lũ lụt, những trận mưa bão, bù lại cũng gắn bó một cách êm đềm hơn với nhiều hồ, ao hay bể trước mỗi ngôi đền. Đáp lại, Sơn Tinh cho xây đập và lấp đầy những vùng đất ngập nước. Cùng nhau, họ đã tạo ra khóm tre, rặng hoa, những cây đa, cây dâm bụt, cây xoài, cây gạo, những cây hoa sữa, hoa phượng, hoa giấy mà người ta sẽ có thể lập lại một danh sách đã từng thống kê gồm 40.000 cây và 72 giống khác nhau, thêm vào đó là các loại cây cùng các loại bon - sai được trồng nơi thềm cửa, nơi mà những chú mèo ngày đêm âm thầm canh gác. Còn hai yếu tố nữa mà người ta tìm thấy sự kết hợp hầu như trong khắp thành phố - từ những điểm thành trì bằng đá đến bê tông như ngày nay và bởi vì làng cũng là sự kết hợp chằng chịt ấy nên người từ nông thôn đến không cảm thấy xa lạ cho dù tiếng động , giao thông và sự náo nhiệt của phố phường có làm họ sửng sốt. Lửa và kim loại, con người làm ra chúng, sử dụng chúng trong công việc và trong nấu nướng. Hơn thế nữa, khi con rồng tung cánh bay lên, sau đó được lấy làm tên của thủ đô, cũng khạc ra lửa và lưỡi kiếm báu của thần rùa hồ Hoàn Kiếm cũng làm bằng kim loại.
Cấu trúc của Hà Nội nổi tiếng với ba đặc điểm chính: 36 phố phường thủ công mỹ nghệ và buôn bán kéo dài tới chợ trung tâm; kiến trúc từ thời thuộc Pháp in đạm sự đa dạng của các tỉnh thành phố Pháp, minh họa rõ nét lối kiến trúc nửa đầu thế kỷ trước, cuối cùng là các thành trì, cột cờ và không gian trang trọng hơn: quảng trường Ba Đình, bảo tàng, ngôi nhà cụ Hồ cùng ao cá có những chú cá chép phàm ăn, nơi mà biết bao bước chân người tham quan từ khắp các tỉnh thành đất nước và nước ngoài thôi thúc tới thăm. Những khu phố nối liền vào nhau nhờ vào các tuyến phố phủ bóng cây. Thành phố với kích thước vừa phải, nói một cách khác giống như thủ phủ của một tỉnh, điểm nhấn bởi các ngôi làng vây quanh hợp vào thành phố. Một số làng đã tồn tại như từ trước khi được nhập vào thủ đô, với các ngành nghề riêng của mình. Một số mới hơn hình thành dần dần thành những cụm riêng biệt khi thì do đặc trưng nghề nghiệp khi thì do điều kiện địa hình. Mỗi làng có một ngôi chùa, một mái đình, một mùi hương trầm, những tình làng xóm và những kỷ niệm san chung.
Ta đang chạm vào đây, tôi tin thế, cái sâu thẳm huyền bí của Hà Nôi. Thành phố theo định nghĩa là sự sáng tạo của con người. Dù thế, vai trò của con người không giới hạn ở việc xây dựng và quy hoạch không gian đô thi, họ còn cho nó một cuộc sống. Chính xác hơn, đó là cuộc sống của một thành phố mà những gì làm nên sức quyến rũ đặc biệt tới từ phương thức mà người dân sống trong thành phố của họ, cách họ bám lấy thành phố của mình để sinh sống, để chiếu sáng, trang hoàng, và để đáp ứng với nhu cầu của mình, thậm chí bất tuân những quy định, cách mà họ đi lại, chất đầy thành phố những rác rưởi, tiếng động và cả sự im lặng tùy theo từng thời điểm trong ngày và theo mùa. Khi người ta nói những người dân, cần phải hiểu đó là cả cư dân trong tổng thể, ví dụ như xu hướng cơi nới ban công thành những phòng thêm hay sự phổ biến rộng rãi của việc tự thi công, nhưng cũng phải hiểu đó còn là từng cá nhân và từng nhóm người thành thị. Những người làm nên Hà Nội, ấy là trẻ em, người già, những người mẹ và cả những người công nhân trong xưởng mở trên phố, những người buôn bán vỉa hè hoặc trong các sạp hàng, những người nghỉ hưu tập thể dục bên bờ hồ, những thiếu niên đỏm dáng và những thiếu nữ yêu kiều. Điều làm nên Hà Nội là tình làng xóm đầm ấm, là đám cưới, đám ma, là những lễ hội nhộn nhịp cả năm trời, đặc biệt hơn là ngày lễ cho trẻ em và dịp Tet, những hội tụ, những khẩu hiệu, băng rôn, những ngôn từ chính trị, hay những chiếc loa phóng thanh của phường. Và trong một số thời điểm của năm, có những cánh diều vẫn nhảy nhót trên khắp bầu trời.
Sau gần 4 năm, nhiệm kỳ của tôi ở Việt Nam kết thúc vào cuối tháng 8/1987, nhưng tôi đã có dịp trở lại Hà Nội nhiều lần qua những kỳ nghỉ ngắn hơn. Mọi điều không còn như trước nữa và thành phố cũng thay đổi. Không còn thiên nhiên nữa, nhưng thành phố không thay đổi trở thành viện bảo tàng - mặc dù tôi luôn giữ cho mình mối liên kết mật thiết với thủ đô mà tôi từng biết, tôi vẫn không khỏi bâng khuâng. Người ta đã và đang xây dựng rất nhiều. Tôi không biết ngày nay có bao nhiêu cây cầu đang bắc qua sông Hồng. Người ta vẫn giữ những điều cốt yếu và cách sống của thành phố vẫn còn nguyên. Chỉ một vài điều không mấy dễ chịu tới từ sự lưu hành của xe gắn máy, của tiếng động và bụi bẩn đi kèm, nhưng tất cả những điều đó đều có thể sửa chữa được với một chút lòng thiện nguyện. Phải công nhận rằng giao thông đường phố như là một màn kịch kỳ thú và việc qua đường như là một bài luyện tập đặc biệt. Quả thật, trong tôi vững chãi một niềm tin rằng thật khó để người Việt Nam có thể ngừng làm người Việt Nam và người Hà Nội có thể ngừng yêu Hà Nội. Tuy thế, tôi vẫn mạn phép có một vài lời khuyên sau đây thay cho lời kết: hãy loại bỏ việc phân chia các không gian xã hội và giữ lại việc đa dạng hóa các hoạt động; nếu một cái cây biến mất, hãy trồng thêm hai; đừng san lấp các hồ, ao hay bất kỳ một diện tích nước nào, hãy tạo ra chúng trong mỗi khu phố mới. Và sau đó, xin hãy để tàu điện quay trở về!
Anh cũng thích một ngày nào đó, Hà Nội có tàu điện như ngày trước.
Trả lờiXóaYêu Hà Nội hơn nữa, chị nhỉ!?
Trả lờiXóa- A Thụy: em cũng thích tàu điện anh ạ, nhưng chắc tàu điện không có cơ hội quay lại nữa, em nghĩ thế.
Trả lờiXóa- Nadia: ừa em, bài này hay nhở.