Trưa nay đi ngoài đường, gió thổi, nắng lúc có lúc không, mặc cái gì cũng được, sơ mi, áo khoác mỏng, áo pull, mông tơ ghi..v.v, đường vẫn đông mặc dù không để ý là có nhiều xe biển ngoại tỉnh lên HN hay không.
Tự nhiên nhớ một cuốn tiểu thuyết. Nên giờ về đây, việc rất nhiều, chiều nay lại hứa về sớm đi mua quất với bạn, vậy mà vẫn chơi blog.
Cuốn tiểu thuyết ấy mình thích, bạn L thích và hẳn nhiều người trong chúng ta cũng thích nó vô cùng.
Lúc mình tắc đường là mình nhớ trong truyện có cũng có đoạn tắc đường nha, hồi đó Hà Nội toàn xe đạp mà sao đường cũng tắc , Phượng kể với Luận là giữa đám tắc đường có một người đánh xe bò vung xẻng lên đập con bò chan chát, cô thương con bò quá mà không biết sao; ngày giáp Tết, Lý tha về nhà bao nhiêu là đồ: giò thủ, gà, măng miến, mộc nhĩ, một cây quất to ngật ngưỡng giá 500; chị Hoài ở quê lên gọi cổng chiều 30 Tết, nhà con và các cháu gửi lời hỏi thăm ông; Luận vào phòng cha trò chuyện, hai cha con vặn chiếc máy hát, đó là bản "Vườn khuya" cổ điển. Còn "ông Đông" ngái ngủ trong chiếc áo trấn thủ bạc màu, hỏi có việc gì mà cứ nhộn cả lên.
Cả nhà cúng giao thừa xong, chị Hoài ra vườn gieo mấy hạt mướp hương. Chỉ là việc gieo hạt mướp đợi mùa thôi mà sao đọc hay thế.
Một cuốn tiểu thuyết Hà Nội, về Hà Nội, rất Hà Nội, đậm đặc không khí Tết HN.
Có một ngày mùa đông tôi đi giặt chăn trên Lý Nam Đế, buổi tối muộn, tôi cứ nghĩ đến cuốn tiểu thuyết này, có một cô gái làm ở Xí nghiệp giặt là, người yêu của Cần, cô gái phải làm ca, người lúc nào cũng thơm mùi thuốc nhuộm. Mà người viết trân trọng cô. Người đọc yêu quý cô. Cô có tình yêu đẹp với chàng trai học ở Liên Xô về. Phải như thế. Chúng ta mỗi ngày cằn cỗi đi. Nhưng "tốt hơn hết là nên lãng mạn"
Truyện mở đầu bằng những ngày giáp Tết. Kết thúc cũng những ngày giáp Tết năm sau. Chỉ có một năm, mà Lý bỏ nhà theo trai rồi viết thư muốn trở về; Phượng xin chuyển việc từ miền núi về thành phố, bị mất xe đạp; Cần về nước, từ chối một đám tốt khẳng định tình yêu với Vân; 3 mẹ con cô thợ dệt từ Nam Định dắt nhau lên tìm Cừ, con út ông Bằng vượt biên hiện ở Canada; ông Bằng lại vót bút chì, cầm tay dạy cháu từng nét như những ngày ông dạy Đông, Luận, Cần, Cừ ngày xưa...
Một năm trôi qua, những ngày áp Tết, Phượng hỏi Luận: Năm nay chị Hoài có lên không?
Mùa lá trụng trong vườn. Đúng không em?
Trả lờiXóaĐúng rồi anh:)
Trả lờiXóa