Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Lấy Tây

Cô gọi điện cho mẹ tôi, giọng buồn, nói mẹ tôi thử hỏi quan điểm của một người trẻ như tôi nghĩ thế nào về chuyện gia đình cô đang gặp phải. Cô chú là người trí tuệ, chan hòa và thành đạt khiến tôi ngưỡng mộ, giờ có việc gì muốn tâm sự nhỉ??? Tôi hỏi thăm TL - con gái cô vừa học ở Mỹ về - cô bảo, chính là chuyện của TL đấy.
TL là một cô gái đáng yêu lắm. Cách đây gần 10 năm cậu con trai thông minh sáng láng của cô chú, anh của TL bị mất trong một vụ tai nạn giao thông, thế là con bé xinh đẹp yếu ớt mỏng manh như sứ phải trở nên cứng rắn, can đảm, nghị lực, trở thành chỗ dựa duy nhất của bố mẹ và dòng họ. Cuộc đời của gia đình cô đã vượt qua được những ngày tháng rất buồn là nhờ có TL, vì cô bé.
TL cũng có nhiều khát vọng, ngày nhỏ cô chú toàn cấm nó học, sợ nó học nhiều quá mà ốm. Học xong đại học nó đi Mỹ tiếp, tôi cũng không hỏi nó được học bổng hay tự túc, vì cả hai khả năng đó đều có thể xảy ra tương đương. Bây giờ nó về rồi, cô nói, buồn quá, vì nó yêu một thằng Hà Lan.
Thằng đó sẽ bỏ việc ở Mỹ và sang VN tìm việc làm vào ngày 31/12 này. Nếu cô chú đồng ý, TL sẽ dẫn cậu đó về ra mắt, còn không, cậu ấy vẫn tìm việc ở VN mà thôi.
Không hoàn toàn nhưng tôi hiểu được cảm giác của cô. Mỗi lần đi đám cưới, khi MC xướng tên mời cô dâu chú rể bước vào hôn trường tôi không quan sát nhân vật chính mấy, tôi hay nhìn những ông bố bà mẹ, niềm hạnh phúc trên gương mặt của họ thường làm tôi chảy nước mắt.
Nên tôi biết cô chờ đợi một ông bà thông gia theo nghi thức truyền thống, tôi có một mụn con gái này thôi, nước mắt chảy xuôi nay tôi giao nó cho ông bà dạy bảo, nuôi con những ước về sau...
Nhưng tôi cũng hiểu được TL. Tôi nói, nếu còn anh trai TL nó không về nước đâu. Cô bảo uh TL cũng nói với cô chú thế, nó bảo bố mẹ sinh ra con và muốn con được hạnh phúc thì đó là cách duy nhất con có hạnh phúc. Đứa con gái hiếu thuận lần đầu tiên chiến tranh với bố mẹ. Tôi lại bảo, cháu nghĩ TL nó không yêu con trai Việt được nữa đâu, nếu cô ngăn cản được trường hợp này, thì lần sau lại sẽ là một anh Tây thôi. Cô nói sao buồn quá vậy cháu. Chú đầu tiên phản ứng quyết liệt rồi dần dần giảm tốc rồi. Thực ra, cô chú có làm gì được nữa đâu.
Kể cũng khó mà an ủi cô được, nhưng cuộc sống luôn luôn vận động mà. Cháu nghe nói nhà dưỡng lão bên đó đẹp lắm, he he.

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Facebook

Đại để là từ trước tới nay cháu có một ưu điểm cũng là khuyết điểm là không có tò mò.
Việc gì nó đập vào mắt thì cháu bít, bổng lộc rơi vào đầu thì cháu nhận, cháu nghĩ trên giời đã quyết định hết rồi.
Nên cháu là cháu không có bít dùng facebook.
Thế nào mà sáng nay thế nào cháu lại lò dò vào chỗ thị phi đó chớ.
Giàng ơi cháu phát hiện ra ở đó một đống bạn phổ thông cháu, chúng nó buôn chuyện với nhau tá lả tình trường đã đời hoa lá không có đứa nào nhắc đến cháu chớ.
Sao mà cuộc đời nó nhục như vầy.
Cháu bây giờ giống anh Sân U trong phim Tối nay ăn gì, không bỏ được vợ không bỏ được bồ, mà nuôi cả hai thì cháu nhọc quá.
(Không biết bác Lu có té vào đây hỏi cháu: Nhọc <---what does it mean? không )

Các cụ bảo Họa vô đơn chí, thế này thì làm sao cháu cutting time for internet để tiếp đất được đây.
Cháu buồn lắm, he he :))

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

Khù khoằm

1.hi em
nguoilavuaden: bánh tẻ nghĩa là không còn trẻ nhưng mà chưa già
nguoilavuaden: chị có nghe thấy ai nói chẳng hạn..củ lạc bánh tẻ kg?
nguoilavuaden: hỏi bố mẹ chị chắc bít
Nặc danh: uhm, từ này mượn ở đâu thế?
nguoilavuaden: từ bình thường mà
nguoilavuaden: em dùng nghĩa bóng thôi
Nặc danh: các cụ thì giờ k0 hỏi đc nữa
nguoilavuaden: sao
Nặc danh: chỉ có bà chị lớn bảo có nghe từ gạo bánh tẻ nhưng chả hiểu nghĩa là gì
Nặc danh: chắc từ này phổ dụng ngoài đó
Nặc danh: trong này k0 ai nói vậy nên chị k0 bít
Nặc danh: nhưng giờ thì bít rồi
nguoilavuaden: không phổ dụng đâu
nguoilavuaden: em hay dùng từ khù khoằm mà
Nặc danh: Đấy, đến "khù khoằm" chị cũng hiểu lơ mơ thôi nhé
nguoilavuaden: chị tưởng tượng củ khoai nó không thẳng mà nó vặn vẹo cong queo nhé
nguoilavuaden: thế gọi là củ khoai khù khoằm
Nặc danh: ra vậy
Nặc danh: nó dị dạng hả
nguoilavuaden: ờ
Nặc danh: "từ khù khoằm" nghĩa là lắt léo khó hiểu
nguoilavuaden: không hẳn thế nhưng thôi chị hiểu thế cũng được
Nặc danh: thì là cố tình làm cho nó lắt léo khó hiểu tí
Nặc danh: hiếm thấy nữa
nguoilavuaden: ờ chị thật thông minh

2. Ngoài này đang rét co vòi nhé các bạn phương Nam nhé:))

Harry Porter

Nhân dịp bên nhà bác LV có ghi tên 20 cuốn sách được đọc nhiều trong thập kỷ theo tổng kết của amazon.com, miềng bốt lại cái review muộn về Harry Porter. Trong cái list ấy, miềng hân hạnh biết 5, tiếng Việt thoai nhưng cũng tự bằng lòng roài, he he. Hơi ấm ức một tý là đi đâu cũng thấy Mai Lai Mai Lai, sốt cả ruột, cái quyển ấy dày gấp đôi nhưng độ hay thì chỉ bằng một nửa quyển của bà vợ thôi ạ.

Không biết khi search trên mạng với từ khóa "Harry Porter" sẽ cho kết quả tìm kiếm là bao nhiêu. Đến bây giờ Harry Porter không phải là cuốn sách thời sự như nó đã từng 7 lần tạo nên sự kiện nữa thì vẫn có những đạo diễn, nhà xuất bản, nhà sản xuất phim, diễn viên...làm việc với Harry Porter; nhiều người lớn và trẻ nhỏ say mê đọc lại; một số nhãn hàng in hình trận đấu Quidich. Harry Porter hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu cho một ngành công nghiệp giải trí như Tom và Jery của Waldisney. Tác giả của bộ truyện về cậu bé phù thủy Harry Porter - nhà văn R.Rowlling - là 1 trong 10 người được tạp chí danh tiếng Times đề cử bình chọn nhân vật của năm 2007 từ một bà mẹ nghèo phải nuôi con bằng trợ cấp thất nghiệp với Harry Porter đã trở thành tỷ phú thế giới.
Vấn đề là, ở Harry Porter có gì thú vị làm say mê hàng triệu độc giả ? trở thành hiện tượng, là bước đột phá đánh dấu sự trở lại của văn hóa đọc tưởng đã bị mất đi trong một thế giới mà ranh giới địa hạt ngày càng nhòa đi bởi công nghệ thông tin, khi chỉ một cú click chuột cũng mở ra vô vàn điều kỳ ảo thì việc bỏ thời gian đọc một cuốn tiểu thuyết trẻ con là điều xa xỉ. Nhưng độc giả trên khắp thế giới lại xếp hàng chờ đến giờ phát hành, có người lớn vừa trùm áo mưa vừa đi về nhà để đọc (Ảnh trên báo LĐ).
Vì sao vậy?
Em không biết, có thể là
- Harry Porter là sản phẩm của một trí tưởng tượng vượt lên trên cả sự tưởng tượng của con người. Tác giả đi qua một nhà ga, giống như một điều tự nhiên " tôi nhìn thấy Harry Porter" rồi câu chuyện về cậu bé phù thủy ra đời. Một yếu tố lạ. Thế giới phù thủy mang màu sắc và hơi thở hiện đại là điều chưa có trong thần thoại Hy Lạp.
- Harry Porter là bài ca về người anh hùng trong cuộc chiến muôn đời giữa thiện và ác mà ở đó nhận diện sự thật luôn là điều trở ngại, đau đớn có khi mất mát; cậu bé phù thủy có khi phải đi một quãng đường vòng mới nhận ra được kẻ thù.
- Harry Porter phản ánh cuộc sống sinh động và hài hước, trẻ em nhìn thấy một thế giới khác, người lớn nhìn thấy một thế giới cũ được làm mới. Bài phát biểu của cụ Dumbledore trong ngày khai giảng là " Chào mừng các thầy cô mới về trường, chào mừng các em đã trở lại trường. Chúng ta còn nhiều dịp để đọc diễn văn, còn bây giờ thì chúng ta đói bụng rồi. Chén thôi." Đó là một bài diễn văn hướng tới đám học trò, tới những người dưới. Nó khác với bài diễn văn dài lê thê của cô....(không nhớ tên) hướng tới Bộ pháp thuật (chắc là đơn vị chủ quản của trường phù thủy Hogwalt), hướng tới người trên.
-Harry Porter là sản phẩm của một người yêu cuộc sống sâu sắc, với nỗi nhớ cuộc sống hàng ngày " Nó nhớ trường Hogwarts tha thiết như bị đau bao tử kinh niên, nó nhớ tòa lâu đài với những hành lang bí mật và những con ma.."; với những điều bất ngờ rằng "> đấu tranh với kẻ thù đương nhiên cần lòng dũng cảm, nhưng đấu tranh với bạn bè cũng cần lòng dũng cảm không kém. Thưởng mười điểm cho nhà Gryfindor" Hi hi. Ước mơ giản dị: " Má luôn ước ao có một con gia tinh để nó ủi quần áo cho chúng ta. Nhưng tất cả những gì nhà mình có chỉ là một con ma xó già lụ khụ đầy chí trên gác xép và cả một đống ma lùm ma bụi trốn khắp khu vườn"
- Trong Harry Porter có nhiều triết lý, và triết lý rõ ràng nhất ở đây có lẽ là cuộc sống có thể hỗn mang nhưng chúng ta có thể lựa chọn thông qua chuyện về cái nón phân loại. Mỗi học sinh nhập học trường Hogwarts sẽ được chụp lên đầu một cái nón phù thủy để "phân nhà", cái nón sẽ tìm tố chất trong mỗi thí sinh để phân vào từng nhà phù hợp mà ở mỗi nhà tôn vinh từng phẩm chất khác nhau. Khi Harry Porter chụp lên đầu cái nón phân loại đã có sự đấu tranh, cái nón quả quyết nếu vào nhà Slytherin thì Harry Porter sẽ nhanh chóng trở thành thủ lĩnh. Nhưng cậu bé đã lựa chọn nhà Gryfindor - ngôi nhà đề cao sự Dũng cảm - và viết lên câu chuyện thần thoại như mọi người đã biết.
- Nhưng với tất cả những điều trên đây, thì giống như bóng đá, cuốn tiểu thuyết về Harry Porter vẫn cần sự may mắn, có thể truyền thông, hoặc người đọc trong sâu thẳm đã chờ đợi quá lâu một cậu bé tên là Harry Porter

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Chân tình

Tôi chưa từng nghe ai hát "Em còn nhớ hay em đã quên" của Trịnh Công Sơn hay như thế này:
http://mp3.zing.vn/mp3/nghe-bai-hat/Hat-Cho-Nguoi-Nam-Xuong-Nguyen-Dinh-Toan.IW606OE6.html
Căn cứ vào tiếng guitar, Titi nghĩ rằng đây là một giọng hát từ hải ngoại.
Chỉ là cảm giác thôi, nhưng tôi nghĩ khác. Tôi nghĩ đây là một người ở trong nước, ngoài 35 tuổi, một người yêu tiếng Việt, có nội lực, trải nghiệm và ẩn ức nhất định. Một người hát chân thành và sự chân thành luôn có sức mạnh chinh phục. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nghe giọng hát này tôi nhớ đến Ngọc Tân.
Tôi lại lưu trữ vào đây hai khúc về nhạc Trịnh, trong đó chỉ có một khúc của tôi.

*Bài viết này được viết bởi một người không thích nhạc Trịnh. Tôi là fan của nhạc Phú Quang. Nhưng đôi khi, người ta cũng phải phá lệ một chút…

Tôi không thích nhạc Trịnh vì nghe nó… mệt quá. Nghe nhạc Trịnh không thể lười được, mà tôi thì vốn cũng lười tư duy trong nghe nhạc, do đó chỉ thích nghe những nhạc gì không phải tư duy. Nghe nhạc Trịnh, trước đây tôi còn tức tối vì ca từ của bài hát như “đánh đố” mình vậy. Nhưng càng về gần đây tôi càng thấy mình thay đổi.

Chợt có một ngày, tôi nhận thấy mình gần gũi với Ông, khi nghe nhạc của Ông. Phải chăng trong mình cũng chứa chất nhiều mâu thuẫn như khi nghe nhạc của Ông ta cần phải cảm nhận thấy được? Tôi chợt thấy nhạc của Ông chứa đầy hình ảnh vừa hùng vĩ, vừa dịu dàng, vừa “thấy ta là thác đổ” đó lại vừa thấy ta “bước chân rất nhẹ” đó. Đúng, nhạc của Ông suy tư quá, đến giờ phút này tôi vẫn không dám nhận mình là fan của Ông. Nhưng tôi vẫn không cưỡng được một sức hút lặng lẽ nhưng quá mãnh liệt trong nhạc của Ông. Tôi không dám nhận mình là người sành nghe nhạc Trịnh, tôi còn chưa hiểu được hết những gì Ông muốn thể hiện và truyền tải.

Nhưng tôi thích cái cảm giác đa dạng mà nhạc của Ông mang lại cho tôi. Nghe “Ngẫu nhiên” của Ông do Khánh Ly thể hiện, với nhạc đệm như nhạc dân ca dùng sáo của vùng Trung Âu, kết hợp với ca từ hết sức gần gũi với Đạo Phật. “Không có cái chết sau cùng, không có cái chết đầu tiên…; kìa có biết bao người, dìu dắt tới quanh đây…” tôi phát hiện ra không có nhạc sỹ Việt Nam nào thấm nhuần giáo lý Phật học như Ông. Đúng vậy, không có gì là bắt đầu và không có gì là kết thúc; vũ trụ là vô thủy vô chung và tất cả chúng ta rồi cũng đi đến một điểm mà ai cũng phải đến… chính vì thế mà nhạc của Ông luôn chất chứa một niềm suy tư “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”…

Một lần, khi đi Yên Tử, tôi rơi vào một rừng thông vào mùa “thắp nến”, tôi mới biết “hàng cây thắp nến lên hai hàng” đẹp tuyệt vời đến như thế nào. Càng nghe nhạc của Ông, tôi càng thấy quen thuộc, cứ ngờ ngợ như mình đã nghe nhạc của Ông từ kiếp nào từ trước đây chứ không phải bây giờ. Nhạc của Ông luôn chất chứa một mối quan hệ biện chứng giữa thời gian, không gian và con người. Chỉ có khái niệm “ngày” - một đơn vị thời gian mà Ông có thế suy tư được mối quan hệ của nó với toàn vũ trụ. Nhạc của Ông còn mâu thuẫn ở chỗ, tính Thiền trong nội dung ca từ của nó rất cao nhưng nghe nó thì khó Thiền được, vì người nghe có lẽ cần phải suy tư và suy nghĩ nhiều quá… Ấy thế mà, nhạc của Ông vẫn có thể ru người nghe vào một cõi Thiền riêng tư nào đó khác, do người nhạc sỹ tài năng tạo ra. Đó là điều khó giải thích khi nghe nhạc của Ông. Tuy vậy, hãy cứ nghe nhạc của Ông, và đừng suy tư gì cả. Hầu hết chúng đều được viết hoặc được thể hiện với những điệu chậm như slow, valse chậm… rất dễ nghe và nét nhạc sang trọng đặc biệt.

Khi tôi ngồi viết những dòng này, thì chỉ còn vài ngày nữa là kỷ niệm 7 năm ngày Ông ra đi. Tôi muốn viết để tỏ một sự thán phục không thể nào tả xiết đối với tâm hồn Ông, một “tấm lòng” lớn, trăn trở, suy tư và “yêu đời thiết tha”.


** Xét theo một nghĩa nào đó, tôi là người không có điều kiện để nghe nhạc, lại nghe theo kiểu không trường phái, không tư duy. Âm nhạc là một phần của cuộc sống, người ta không thể sống mà không có lúc muốn hát lên. Thật thú vị là hôm nay, tận lúc này tôi mới tự đặt câu hỏi: Mình có phải là fan của nhạc Trịnh không? hay nói cách khác: Mình có yêu quý nhạc Trịnh nhất không?
Có một người không mấy ai nhớ rõ ngày sinh nhưng đời sau sẽ còn kỷ niệm ngày mất dài lâu. Đã 7 năm người ở trọ trần gian ấy ra đi như một trò đùa trớ trêu của số phận. Nhạc Trịnh là một thứ nhạc bình dân phổ quát mà tôi biết, người Việt Nam yêu nhạc Trịnh như một phần văn hóa hay thậm chí một thứ tôn giáo, bạn có thể lựa chọn cho mình một loại tôn giáo nghe nhạc hoặc cũng có thể điền :không. Có rất nhiều bài hát tôi thích mà tôi không biết đó là của Trịnh Công Sơn, như bài "Hãy yêu nhau đi" chẳng hạn; như vậy phải chăng TCS không có dấu ấn riêng? Tôi không biết. Có thể ông đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật rồi, là sự gần gụi với quảng đại quần chúng. Bạn có thể nghe thấy ca khúc Nối vòng tay lớn trong một buổi sinh hoạt tập thể, bạn có thể tự thốt lên câu hát: Ta là ai, là ai mà yêu quá đời này, hoặc bạn cũng có thể thấm thía nỗi cô đơn khi Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Tôi chưa từng nhìn thấy hoa tường vy, nhưng tôi mặc định nó là một loài hoa đẹp bởi câu hát "Một đêm bước chân về gác nhỏ, chợt thấy đóa hoa tường vy.."
Tôi có một người mẹ không biết hát. Cách đây 7 năm tôi tình cờ nghe kể mẹ tôi đang rót nước vào phích chợt suýt đánh rơi ấm nước khi nghe tin TCS đã mất qua bản tin thời sự, khi ấy đang là thời điểm khó khăn trong cuộc đời mẹ và tôi không thể tưởng tượng được một người cứng rắn và quyết đoán trong lúc đó vẫn còn tâm trí để "cảm" Trịnh Công Sơn. Việc đó làm tôi nhận ra rằng hóa ra tôi cũng giống mẹ theo một cách cực đoan.
Chết rồi, tôi lan man quá. Lá cỏ của Trịnh Công Sơn đã làm tôi mất phương hướng không biết mình phải nói gì và kết thúc ở đâu. Tôi nghĩ bạn sẽ yêu nhạc Trịnh nếu nó đến với bạn một cách tự nhiên như hơi thở của đời sống này, bạn nghe bài hát ở đâu đó, trong một lúc nào đó, trong sự tình cờ, đừng nghe cả đĩa, cả một tuyển tập, đừng đến với nhạc Trịnh, hãy để nhạc Trịnh tự đến với tâm hồn mình, cũng đừng nghe một lúc giữa Khánh Ly và Hồng Nhung, sẽ mệt mỏi và buồn thảm lắm. Đã là âm nhạc thì mỗi nốt nhạc sẽ có một sứ mệnh riêng trong hòa thanh và mỗi dòng nhạc đều mang một âm hưởng riêng không dễ gì thay thế. Rất có thể một bài hát của TCS nào đó đã từng là mở đầu cho một câu chuyện vui, là kết thúc cho một câu chuyện buồn, dù vui hay buồn thì cũng là kỷ niệm mà kỷ niệm là những gì không trọn vẹn dù không đổi thay, thật ngỡ ngàng khi ta gặp lại chính mình. Trong Trịnh Công Sơn. Ôi, tôi tưởng tượng quá xa rồi, tôi bịa đấy nhé, Chúa phù hộ cho tôi.
Và cảm ơn Trịnh Công Sơn đã cho chúng ta cơ hội để ..gõ bàn phím, để nói, để suy tư, và cuối cùng vẫn là để hát lên.
Rằng mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.
Chọn những bông hoa và những nụ cười.

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2009

Muốn mua ca cao vỉa hè nhà thờ

Là thế này ạ
Em có một bạn hiền Sì Gòn, hồi bạn ấy ra chơi HN em dẫn bạn ý đi ngồi vỉa hè nhà thờ với lại ăn phở. Lúc ngồi ở nhà thờ em mời bạn em uống ca cao.
Rồi bạn ý về lại Sì Gòn.
Chuyện chẳng có rì nhớn.
Nhưng mà bạn ý từ lúc đấy lại thích uống ca cao.
Bạn ý đi mua ca cao bột ở siêu thị mang về nhà tự chế, thấy bảo không ngon.
Rồi bạn ý gởi thơ bồ câu nhắn em cố gắng vận dụng các mối quan hệ mua hộ bạn ý một cân ca cao nhãn hiệu vỉa hè nhà thờ.
Em thì chỉ ngồi ở đó một lần với bạn ý thôi; không quen lắm; bây giờ đội khăn lên hỏi mua một cân cũng sợ nó chửi.
Không biết nó có bán không hở cả nhà?
Không biết mua ca cao ở đâu thì ngon hở cả nhà?
À bạn ấy là gái cả nhà ợ
Cả nhà ai biết thì đưa đường chỉ lối giúp đỡ hai gái bánh tẻ này với
Em xin cảm ơn.

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2009

Tóm tắt

1. Xin cảm ơn chị Thuận, cụ Hinh, Uyên, Tuấn, Thái, Như, Minh và các bạn khác tôi chưa được gặp cả trong đời thực và ảo. Nhân tiện trường hợp này, tôi xin tâm sự thêm. Có hai kỹ năng sống mà tôi mất nhiều thời gian mới học được. Một là cách khen ngợi người khác thật lòng, khen vô tư, không có ý gì ở đằng sau. Hai là cách tiếp nhận lời khen : phải trân trọng nó như một món quà nho nhỏ của cuộc sống. Nhưng không nên đặt quá nhiều quan trọng vào một lời khen : không phải vì người ta khen mình một câu mà bỗng nhiên mình trở nên thông minh hơn. Nếu cái tin giật gân này cũng đem đến cho bạn một chút vui, một chút tự hào, thì đó là điều tôi mong muốn nhất. Nhưng tôi cũng mong các bạn giúp tôi giữ gìn nó như một cái gì mong manh dễ vỡ, kẻo cái vui nhỏ lại hóa thành một cái dềnh dàng phiền phức.

Trên đây là lời cảm ơn trên site cá nhân của nhà khoa học Ngô Bảo Châu http://thichhoctoan.wordpress.com về tin anh chứng minh được bổ đề (định lý) quan trọng kết nối lý thuyết số và lý thuyết nhóm, được tạp chí Time của Mỹ (không phải The Times của Anh) bầu chọn là 1 trong 10 phát minh quan trọng nhất năm 2009.

2. Bác 5xu - một trong my favourites bloger - mấy hôm trước viết entry Khi người ta trẻ, đọc lãng đãng ác liệt. Mình đọc Khi người ta trẻ của 5xu và nhớ tới Tối nay ăn gì.
Thường thì người nội trợ nào cũng rất trăn trở với câu hỏi Tối nay ăn gì. Phía người chỉ việc ăn sẽ xuê xoa ăn gì chả được mà phải quan trọng nhưng thực ra nó rất quan trọng với người đi chợ đấy, ngày xưa Xuân Quỳnh đã có bài thơ rồi, ngày nay cũng vẫn thế thôi, dù kinh tế khá hơn.
Khi người ta trẻ người ta nhìn phim Hàn Quốc bằng một khóe mắt; nhìn những bà nội trợ ngồi xem phim bằng con mắt thương cảm. Khi người ta trẻ người ta đau khổ nghĩ mình nhỏ bé không đủ sức chống lại đế chế phim Hàn Quốc tràn ngập trên truyền hình. (ý này của Uyên - ngothigianguyen.com)
Còn bây giờ người ta biết đấy là định kiến.
Vì người ta đang xem phim truyền hình Hàn Quốc mang tên "Tối nay ăn gì" chiếu trên kênh VTV3 lúc 22h30.
Người ta chưa phải là nội trợ, nhưng (có thể) người ta không còn trẻ:(

3a. Nhân tiện nói chuyện đất nước Hàn Quốc. Từ quê nhà yêu dấu, mama mang theo một câu chuyện. Cháu của cô H (hàng xóm) sinh năm 1978 là công nhân may sau một thời gian lên mạng (???) tìm chồng Hàn Quốc đã tìm được một anh 55 tuổi, có con đang phục vụ trong quân đội, 10 năm nay không có vợ. Ở cái thành phố này hôm đó có 3 trường hợp, tức là mình gửi hồ sơ cho nó, nó chọn rồi nó về VN mình ưng nó thì lấy không ưng thì thôi. Lúc nó về là 8h sáng thì 9h sáng báo cho người nhà sang bên khách sạn,3 gia đình của 3 cô gái khoảng 10 mâm, khách sạn xong thì về nhà thắp hương, theo lời kể thì hương chưa cháy xong mà cái phong bì đặt lễ bên công ty môi giới lấy lại, nói là cái này thuộc về hợp đồng bên phía công ty với bên chú rể.
Rồi thì cô dâu chú rể về khách sạn ngủ một đêm. Mấy hôm sau 3 chú rể về lại Hàn Quốc vì hết visa du lịch.
Hiện tại mỗi cô dâu phải nộp 10 triệu cho trung tâm để học tiếng Hàn. Cô dâu sn 1978 trên kia là con anh trai cô H, sinh ra trong một gia đình dân nghèo thành thị, bố cô dâu kể lại đêm nằm không dám thở sợ bà vợ biết mình không ngủ được. Cô H cũng mới mất trộm nên không có tiền cho cháu "đóng học", chú em trai chồng cô H biết chuyện mới đề nghị mua cái đống gỗ lim từ hồi chồng cô H đi bộ đội trên vùng cao tích cóp được để trong nhà, giờ người ta không chuộng gỗ lim nữa, chú em chồng kia mua lại để đấy chơi thôi.
Tôi gọi cái hành động bán gỗ cho tiền học tiếng Hàn kia là mặt trái của đức hi sinh đồng thời băn khoăn không biết bi kịch trước mắt đó có phải là hệ lụy gián tiếp của việc ngộ phim Hàn Quốc trên truyền hình hay không.

3b. Các nhà chức trách Hàn Quốc đang tiến hành một cuộc tổng điều tra rà soát về hiện tượng các cô dâu nước ngoài kết hôn với đàn ông Hàn Quốc sau đó bỏ trốn khỏi nhà chồng, cư trú bất hợp pháp, sau khi các cô dâu đào thoát, các ông chồng đến Cục Lao động xã hội Hàn Quốc báo cáo là các cô này đã bị chết để lấy vợ mới, vì nếu các cô chưa chết thì thủ tục ly dị sẽ mất thời gian và rất tốn kém.
Thế nên phía Hàn Quốc mới hỏi rằng các cô có còn sống không. Trong số các cô này, ôi, nhiều nhất là Việt Nam, đứng thứ hai là Trung Quốc, Philipin. Chỉ có một cô Cambodia. Trong các cô Việt Nam này, đến từ miền Bắc có một cô ở quê miềng làm đại diện, còn lại là các tỉnh miền Tây.

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009

Không đề

Không phải không có thời gian
Chỉ là tự nhiên không có hứng
Mọi việc đều vô nghĩa
Cái recent comment tự dưng trắng xóa
Sửa lại không được
Dễ làm khó bỏ
Quan trọng gì
Tự dưng đau vai gáy
Đau lắm
Tập không đỡ
Có khi phải đi mat xa