Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Không đề



Phăng phắc một đóa sen già
Đợi ta bên miền nước lặng
Hỡi người hái hoa kiếp trước
Kiếp này có hóa bình không


(Trần Hòa Bình)

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

Món ngon mẹ nấu

Thi thoảng trên mạng tui gặp những cô gái nấu những món ăn ngon và đẹp như những bức tranh tĩnh vật, các cô thường nói học nấu ăn từ mẹ, mẹ nấu cho ăn từ nhỏ rồi cứ thế học mẹ mà thành thôi.

Cùng trong thành phố mà mấy năm mới ngồi cà phê với bạn. Bạn nói mọi việc thì cũng như vòng quay bánh xe , nói chung là tốt, chỉ đôi khi có những xích mích nhỏ, tỷ như chồng bạn không bao giờ thừa nhận mẹ chồng nấu ăn dở và không biết chọn mua hoa quả.

Tui có một người mẹ không biết nấu ăn. Ngày nhỏ, bố đi công tác xa, người ta có câu "Vì chàng thiếp phải bưng mâm", người đàn ông ít ở nhà nên phụ nữ và trẻ em cứ rau dưa mà đi qua những ngày tháng đạm bạc đó một cách tự nhiên.

Nên chị em tôi là những đứa dễ ăn nhất trong đám bạn cùng thời. Nấu ăn chưa bao giờ là điểm mạnh của tôi, dù có những lúc tôi in the mood với nó, tỷ như hay tập tành làm mấy món fast food kiểu vịt om sấu, salat Nga, mì Ý hay caramen, (toàn món dễ phải không?). Hì hục nấu thì thằng em nó cũng chẳng khen ngợi gì đâu, nó ăn sao cũng được, và toàn chê béo.

Nhưng tôi biết nó sẽ không bao giờ thừa nhận với một cô gái nào đó rằng mẹ nấu ăn dở. Những món ăn ngày thơ ấu, dù sau này chân trời góc bể đứa con vẫn ăn bằng ký ức, bằng tình mẫu tử, bằng nỗi nhớ về những ngày tháng yêu thương, dịu ngọt, thơ ngây và cả cơ hàn, bằng nỗi dự cảm xót xa rằng mẹ thì ngày mỗi già đi để con lớn lên. Và ấu thơ có trở lại bao giờ?

Nên, bạn ấm ức mà làm gì cho mệt, về nhì đi. Tình cảm giữa mẹ với con trai là một loại tình cảm đặc biệt. Khi em tôi đi học, mẹ tôi dặn chẳng may có ngày lang thang cù bơ cù bất, khi không có gì để ăn hay mọi người hắt hủi thì phải trở về nhà, mẹ lúc nào cũng chứa, bất luận trong hoàn cảnh nào. Nghe lại câu chuyện đó, tôi thấy lòng rưng rưng, sao mẹ không bao giờ dặn tôi câu đó? hay là tôi đã lớn còn thằng kia thì luôn bé bỏng?

Tôi lan man rồi đó. Đi thi hát với thần tượng mà như thế này anh Hồ Hoài Anh gọi là hát tóe loe ra, vì không tiết chế được cảm xúc:). Quay lại chủ đề nhé, bạn biết vì sao tôi rươm rướm khi đọc bài thơ "Chợ biển" không, vì tôi nhớ ngày xưa quá, khi còn biển bạc rừng vàng, bạn đã bao giờ ăn con "ruốc" là một loại động vật biển rẻ tiền chưa? Giả dụ sau này có kiếm được mà mời bạn, bạn sẽ nói ngon gì đâu, vì bạn không ăn nó bằng ký ức.

Như một bloger từng nhớ về bánh trung thu mậu dịch rằng: "Kiếm ở đâu ra món xa xỉ đó bây giờ"

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

Ảnh Sài Gòn












Đặt gạch cái nhé.

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

Ngày thường (II)


1. Thứ 7 tuần trước nữa (7/11) tui có thiếp mời đi dự một đám cưới. Đám cưới ở khách sạn 5 sao ghê quá ta nên tui cũng se sua váy áo mà đi hội với bựn bè. Tui có dịp tận mắt vài ngôi sao, nhìn vài ngừi bạn "quốc tế" do cô dâu trước học trường điện ảnh bên bển, oai ghê ta nhưng tui đây giữ thái độ xem là phình phường vì thế giới bây giờ muôn phương hội một phải không các bưởi? Nói chung đám cưới thì cũng giống tiệc Welcome dinner thoai, sau màn phụt khói trắng để cô dâu chú rể bước vào như lướt đi trên cõi bồng lai tiên cảnh thì chúng tui ăn trong giai điệu của Bethoven (sr nếu tui viết sai tên ông nha) chứ không phải nhạc của Boney hay Morden Talking như đám cưới thời xưa hí hí.
À quên nói chuyện cắt bánh cưới nha. Tui vẫn hay được các chị có chồng ở cơ quan dạy là khi lấy (được) chồng thì phải có thái độ cứng rắn và biện pháp trấn áp ngay từ đầu, không để cho chồng dạy mình từ thuở còn thơ rùi nó được đằng chân lân đằng đầu nó ngày càng lấn tới rùi đến lúc mình không chịu được tức nước vỡ bờ mình bật nó cũng shock mình cũng đau thương. Tui còn được dạy làm sao treo cái áo của mình ra ngoài áo của nó hôm đầu í thì mình sẽ chỉ đạo được chồng...etc ..nói chung chuyện này hay ho lắm nha nhưng mà đang nói là đi đám cưới tui ngồi ở gần sân khấu thấy cô dâu chú rể cắt bánh cưới mà cô dâu cầm tay cho chú rể cắt nha, nghĩa là cô dâu cắt đâu thì chú rể cắt đó. Thiệt tình tui biết bánh thì cũng chẳng ai ăn nhưng mà ở đây cô dâu hơn chú rể 5 tuổi nên tui trông cái kiểu cắt bánh là tui biết cô dâu sẽ dắt chú rể đi cả đời hi hi. Mà tui thì không ước như vậy đâu nha.

2. Cuối tuần vừa rùi tui đi ép tóc ở một cửa hàng trong ngõ Trại Cá trên Trương Định. Cái nhà này nó hành nghề ép tóc lâu năm rùi làm ăn cũng hiệu quả nên khá đông khách. Lúc tui đang ngồi trong thì có một chị ngơ ngơ đi vào tháo khăn ra rụt rè hỏi nhân viên Chị ơi đây có phải hiệu ép tóc T.H không? Bọn nó chẳng đứa nào bắt lời, chị kia ngơ ngác định hỏi tui thì nó gắt chị ra nhìn ngoài biển (hiệu) ý. Một chuyện nha. Đi làm tóc mà len lét như xin sếp cho đi học. Nhà này nó đông khách nó thế. Lúc sau một chị nhân viên đang bôi thuốc dở lên đầu khách thì có điện thoại chồng gọi ra ngoài chồng đưa cho cái áo khoác. Chị này tháo găng tay nylon nhờ đứa khác bôi hộ cho khách. Con bé bôi hộ vừa bôi được hai nhát thì chạy theo tít ngoài ngõ để..xem mặt chồng chị XYZ để cho khách ngồi lại cô đơn trên đầu thuốc nhỏ tong tỏng. Hai chuyện nha. Làm ăn kiểu này chỉ cần bước chân ra khỏi địa phận nội thành thủ đô là khách nó bóp cổ cho đến chết 49 ngày sau lưỡi vẫn chưa rụt lại nha.

3. Đúng hẹn, màu đông đã trở về được 3 ngày. Năm nay nhuận. Nếu không, chỉ còn 8 tuần nữa đã là Tết. Buổi tối nằm trong chăn ấm nghe gió rít ngoài ô cửa, bật máy tính nghe một bản nhạc pop nhẹ nhàng thấy tâm hồn khe khẽ lên tiếng, rằng sao thời gian trôi quá nhanh, bao năm qua ta đã làm được gì cho ta và cho đời? vòng tuần hoàn của vũ trụ đến rồi đi, ngày tháng nào đã đi qua nhưng ta còn ngồi lại?
Lại lưu trữ vào đây một đoạn viết cũ vậy, kể hơi sớm khi nói về Tết nhỉ, ngoài cửa phòng tôi đang ngồi những cây bàng vẫn còn nguyên sắc xanh pha đỏ của độ cuối thu:
Tet over

Khi tôi ngồi viết những dòng này, Tet dường như đã đi qua tôi, đã nhạt đi không khí linh thiêng của trời đất Tet, truyền thống Tet, tổ tiên Tet, chỉ Tet holiday là mới bắt đầu. Miền Bắc mấy hôm qua trời thật lạnh, lạnh sắp rụng tai càng làm tôi ở trong Tết và nhớ Tết xưa dù chưa xa lắm, nhớ mùi thơm của khói pháo làm ấm lên không khí. Sinh ra và lớn lên ở "ngoải" tôi thật chẳng hình dung được miền Nam mặc áo ngắn tay cúng giao thừa thì thế nào; nhưng giao thừa nào cũng xúc động nếu nghe bài hát "Gửi nắng cho em". Vì thế Tết hẳn là một cái cớ thiêng liêng kéo gần văn hóa, Tết là Tết chung. Thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta có Tết để dù đi đâu ai cũng nhớ về chung vui bên gia đình. Tôi đọc trên net một câu chuyện về cô gái phải tu 500 năm để được nhìn thấy người đàn ông của mình trong giây lát. Tu tiếp 500 năm để được chạm vào vai người yêu. Vậy 1000 năm chỉ được nhìn một cái, chạm vai một cái. Vậy những người trong một gia đình kiếp trước phải tu bao nhiêu năm để bây giờ là ruột thịt của nhau? Kiếp trước đã tu kỳ công như thế sao kiếp này đôi lúc bị cái ngán ngại của bổn phận mà sao nhãng ? Có lẽ vì thế mà mới có Tết, để người ta cúng giỗ tổ tiên giữ gìn văn hóa, để quan tâm đến người ruột thịt, để cảm thấy lờ mờ về hàng nghìn năm tu luyện. Không hưởng thụ Tết hẳn phí 1000 năm tu.
Cách đây nhiều năm, Vũ Đình Liên từng viết " Ông đồ vẫn ngồi đó. Qua đường không ai hay. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?" như một tiếng thở dài tiếc nuối sự vận động của quy luật giá trị. Những ông đồ bây giờ đã xuất hiện lại, có nhiều ông đồ trẻ măng ngồi họa những nét xưa cũ; cũng không lạm bàn về trào lưu. Một người bạn vừa mới rủ tôi học thư pháp, nếu tôi có duyên với môn này có lẽ chữ đầu tiên tôi muốn viết tặng những người cùng thời là chữ An. Còn những chữ như Phúc, Nhẫn, Đức tôi thấy mênh mông quá mình sao có thể hiểu. Một người khác lại muốn học chữ Nhẫn, không phải chữ nhẫn với bộ đao mà là nhẫn cỏ hoặc nhẫn 18K
Tôi đã có những đêm giao thừa không ở nhà. Thường thì những người đón giao thừa tại cơ quan phải là những người rất yêu công việc họ đang làm; không gian và thời gian ấy cũng thiêng liêng lắm, vắng nhưng cô đọng, đằng sau tiếng nổ của sâm banh không chỉ là giấy trang kim vương vãi trên sàn, lúc ấy người ta cũng cảm nhận sâu sắc về tình đồng đội. Cuộc đời hợp tan là lẽ tự nhiên, có thể không ý thức nhưng họ mong giao thừa năm sau họ lại đứng ở đó cùng nhau trong không gian của những người đồng chí.
Và nữa, những người đón giao thừa tại cơ quan hẳn là những người có đằng sau mình một người nội trợ chu toàn; người ta sẽ yên tâm ra tiền tuyến khi vững tin ở phía hậu phương.
Mùa xuân đã đi những bước chân đầu tiên ở quanh đây. Ngày mùng hai, đã qua Tet của tín ngưỡng tâm linh bắt đầu Tet của lễ hội. Rồi lại ngày mưa xuân phơi phới bay, hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy. Sự vận động muôn đời đông rồi lại xuân, hạ, thu. Ta lại nghe bài hát Gửi nắng cho em vào một ngày rất gần nào đó.
Mong sự bình an đến với tất cả mọi người!

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Nina




Nina là người dịch hàng trăm bài thơ, hàng nghìn bài báo.
Nina thường online đến 2h sáng để làm bài trang chủ. Buổi tối chát, khi nào tui cũng chào trước để đi ngủ, lúc sau không ngủ được lồm cồm bật máy tính lại vẫn thấy chị còn nguyên ở đó.
Nina là 1080 của tui, thông thạo từ thuật toán tới khúc côn cầu, sân khấu điện ảnh nhạc kịch điền kinh trượt băng trượt tuyết ballet các kiểu. Không có lĩnh vực nào chị không là Top. Mà trên giang hồ có phải trình còi đâu, toàn hảo thủ. Tui cứ tự hỏi người nhỏ bé thế lấy sức lực đâu ra.
Mà sáng hôm sau vẫn phải đi làm, đi dạy, công việc hàng ngày không liên quan đến dịch dọt. Thế mới hay.
Thôi sắp đến ngày 20/11 rùi. Tui thấy mình có trách nhiệm viết một entry, vì Nina từ một thần tượng đã thành bạn của tui, dù gạ gẫm ngay từ đầu là dùng blogpost đi, nhưng mà không nghe nên thiệt, vì không đọc được những dòng này, he he.
Mượn vào blog một bản dịch của Nina vậy:
ТЫ С КОРАБЛЕМ ПРОЩАЛАСЬ...
Николай Рубцов

С улыбкой на лице и со слезами
Осталась ты на пристани морской,
И снова шторм играет парусами
И всей моей любовью и тоской!

Я уношусь куда-то в мирозданье,
Я зарываюсь в бурю, как баклан, —
За вечный стон, за вечное рыданье
Я полюбил жестокий океан.

Я полюбил чужой полярный город
И вновь к нему из странствия вернусь
За то, что он испытывает холод,
За то, что он испытывает грусть.

За то, что он наполнен голосами,
За то, что там к печали и добру
С улыбкой на лице и со слезами
Ты с кораблем прощалась на ветру...

(1962) Em tiễn con tàu ...
Nikolai Rubtsov

Nước mắt với nụ cười trên mặt
Bây giờ em ở lại bến tàu
Bão gió lại với cánh buồm đùa giỡn
Bằng cả tình ta, nỗi buồn đau!

Ta bị cuốn đi đâu không rõ
Mê muội lao mình vào bão, tựa chim trời
Ta đã yêu đại dương nghiệt ngã
Vì tiếng thở dài và nức nở muôn đời

Ta đã yêu thành phố miền cực bắc
Sau bước lãng du ta lại quay về
Vì thành phố lạ giờ đang lạnh giá
Vì thành phố giờ buồn bã ủ ê.

Vì thành phố vẫn tràn đầy giọng nói
Vì nơi đây, buồn thảm, dịu hiền
Nước mắt với nụ cười trên mặt
Em tiễn con tàu, khi gió vừa lên...

(1962)

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2009

Sống mà nhớ lấy

Tiểu thuyết của Valentin Rasputin

" Sống mà nhớ lấy" là tác phẩm viết về chiến tranh nhưng trong câu chuyện này tuyệt nhiên không có bóng dáng của tiếng súng chiến trận hay bóng dáng của kẻ thù chiến tranh hiểu theo nghĩa thông thường của từ này. Nói đúng hơn , đây là câu chuyện bi kịch về quá trình hình thành tâm lý phức tạp của một kẻ phản bội và người vợ đáng thương của y tên là Naxchena. Mình muốn nói tới người phụ nữ đáng thương ấy.
Một câu chuyện buồn, rất buồn.
Buồn đến nỗi nhiều khi muốn đọc lại mà không dám mở nó ra nữa. Câu chuyện mở đầu bằng việc mất một chiếc rìu trong nhà tắm của gia đình Anđrây. Anđrây đã ra mặt trận, ở nhà chỉ còn bố mẹ hắn và vợ: Naxchena. Không ai nghi ngờ gì cả, chỉ có người vợ, người phụ nữ cảm thấy có linh cảm mách bảo một điều gì đó. Sự thật là Ảnđây đã trốn khỏi mặt trận, đào ngũ, sống chui lủi như một con chó trong rừng, không dám về làng. Ngay cả khi chiến tranh kết thúc. Người vợ - Nachena đã tình nguyện nhận lấy gánh nặng tội lỗi ấy, che giấu cho y, cũng chỉ vì muốn cùng chồng chuộc lại tội lỗi nặng nề của y nhưng hóa ra là vô ích. Chị có mang với một người chồng được xem là mất tích trong chiến tranh, khi mà ở làng chẳng còn ai là đàn ông, khi chị còn bao việc phải làm ở một hậu phương, và cuối cùng không chịu nổi gánh nặng tội lỗi của chồng, chị đã phải nhảy xuống sông tự vẫn.
Mình sẽ chép lên đây 3 đoạn trích từng làm mình xúc động. Một đoạn trích là hồi ức của Nachena ngày mới về nhà chồng, người con gái ấy đã trong sáng thế nào, (tất nhiên Nachena mãi mãi trong sáng). Hai đoạn trích còn lại là đoạn đối thoại với mẹ chồng và bố chồng về cái thai trong bụng chị. Buồn, rất buồn cho thân phận người phụ nữ.
" ....Khi anh đưa em về đây, em chẳng có ai là họ hàng thân thích, tất cả đều xa lạ, tất cả. Có thể nói em cứ nhắm mắt mà bước theo anh: mặc anh muốn dẫn em đi đâu thì đi. Mà ngay cả anh em cũng biết gì nhiều đâu - em chỉ gặp anh hai ba lần gì đó, gặp chơi chơi thôi, rồi cũng chơi chơi như thế, gần như đùa, chúng mình hứa hẹn với nhau. Cho đến phút cuối cùng em vẫn không tin là anh sẽ đến. Bảo thế có đáng sợ không? - cả cuộc sống cũng thay đổi, cuộc sống cũ không còn lại cái gì, chỉ còn lại mình em, mà chính em cũng không hiểu là có phải em không nữa....Về tới nhà, anh bảo: đây, vợ con đây. Bố hỏi em: tên cô là gì? - Naxchia, em nói. Ông sửa lại: Naxchena. Từ đó đi đâu mọi người cũng chỉ gọi em: Naxchena, Naxchena. Còn mẹ cứ nhìn em không nói gì. Em thấy bà có vẻ không thích em lắm, có lẽ bà mong đợi con dâu khác. Anh cũng nhận thấy thế, nên anh bảo: ở đây cô ấy có một mình - đấy là anh nói về em - không có ai che chở, nhà ta đừng làm cho cô ấy buồn. Anh nói giọng như nói đùa, hơi có vẻ giễu cợt, nhưng thực ra đâu phải anh đùa? lúc ấy em mới tin, không, em đã không nhầm khi bằng lòng lấy anh, và dù có nhắm mắt cho anh lôi đi tới đâu em cũng vẫn sung sướng.
Ngay tối hôm ấy, anh dẫn em đi chào mọi người. Anh còn nhớ không?Chúng mình đến nhà Vichia, nhà Macxim rồi còn nhiều nhà khác. Không phải để khoe em. mà để em nhận mặt ngay từng người, sau đó gặp khỏi bỡ ngỡ. Quả thực sáng hôm sau gặp Natca Vichia, em cứ tròn mắt: em cứ nghĩ không hiểu đâu ra em lại gặp ở đây cô bạn quen thế nhỉ? Vì trông mặt rất quen, nhưng chị ấy là ai, quê ở đâu, thì chị không nhớ ra. Về sau, giời ạ, mới vỡ nhẽ là em vừa quen chị ấy tối hôm qua, lúc anh dẫn em đến nhà chị ấy chơi, đầu óc em lú lẫn hết cả. Em mừng quá, em coi chị ấy như chị em.....Anh cứ cặm cụi đến tận bữa ăn, quên cả người vợ trẻ. Em đi xuống sông Angara xem vườn rau, cả hai vườn. Chưa có anh em chưa chịu ngồi vào bàn ăn, em đợi. Mẹ không nhịn được, mẹ quát anh đứng lên. Rồi cả nhà uống trà với bánh mỳ vòng, bố , mẹ và em. Uống trà xong anh bảo, chuẩn bị đi, đi đâu? đi lên núi. Rồi anh dẫn em lên núi thật, lên khu đất bằng trên đó, chỉ cho em cánh đồng, bãi cỏ - chúng mình cứ đi mãi đến tận chiều. Về đến nhà đã thấy mấy người bạn của anh đang ngồi ở đó: anh mới lấy vợ, phải mang vợ ra khoe đi - họ bảo thế. Hôm ấy có cả anh Vichia, cả anh Macxim. Anh Vichia chết rồi, chắc anh biết? Anh biết , vì em đã viết thư, Natca đẻ con gái, không biết anh đã biết chưa, vì em không nhớ em có viết thư kể cho anh nghe chuyện ấy không. Bây giờ chị ấy có ba đứa, vất vả lắm, ôi vất vả không tưởng tượng được. Nhưng biết làm sao?...."

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2009

Lỡ

Lúc nào cũng khoe khoang là thích ngồi ở Espace mà họ chiếu "Đừng đốt" từ hôm 23/10 có biết gì đâu. Chán quá, sao toàn chậm chân vậy không biết.

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

Phố ta qua

Buồn vui gì cũng trải lòng cùng phố, bạn nhé. Phố song hành cùng đôi bàn chân, lặng im thấu hiểu những bộn bề xáo trộn. Phố vô tư, phố trung thành. Phố bao dung không nỡ làm ta buồn. Phố ơi.
Phố Tràng Tiền ngắn như một que kem đậu xanh. Ngồi trong Espace nhìn ra thấy phố đẹp, bận rộn thanh bình. Còi xe lọc qua tấm kính vẳng lại mơ hồ như một mùa đông xa. Có một hay nhiều cô gái từng ngồi đó một mình trong ngày sinh nhật, ngồi đó tự nguyện vì có nhu cầu được cô đơn. Cô đơn là khi đứng giữa hàng trăm nghìn người cô vẫn là một khối đóng băng không chia sẻ. Phố đã chia sẻ những phút giây như thế. Phố lặng im lắm, để ngày mai cô trở về hiện tại, đã vơi bớt những cô độc hiu quạnh thân mình.
Phố Trần Phú có nhiều cây sấu. Mùa hè, lá sấu rụng trải thảm xuống mặt đường mỗi con gió đi qua. Ở góc Chu Văn An có vợ chồng sửa xe ngồi đó hơn 30 năm. Cô nói 30 năm ngồi đây phố chắc đổi thay gì. Người ta bảo đổi thay nhiều đó em. Cô băn khoăn tự hỏi nếu cô ngồi ở góc phố này mãi liệu có thấy phố thay đổi gì không?
Phố Tôn Thất Đàm chỉ có một số nhà. Cô có lần đến đó xin vé đi xem ca nhạc. Trước cổng tòa nhà có một quán cà phê G7. Bạn từng hẹn ngồi đó ngắm hoa sưa, cây hoa sưa được xem đẹp nhất HN, nhưng chưa có dịp ngồi đó. Hoa sưa.
Đã có hơn ngàn ngày đi bộ qua những con phố đó. Phố Phan Đình Phùng rợp bóng hai hàng cây. Mùa tháng tư, nhìn hoa loa kèn đi rong trên phố như một nốt nhạc ngân dài. Trên vỉa hè Nguyễn Biểu có một hàng cháo trai, bà bán cháo nền nã nhỏ nhẹ như một người HN cũ nên quả là chỗ dừng chân lý tưởng sau môt chiều đi bộ. Phố Hoàng Diệu lặng lẽ, hồi trẻ dại non nớt đi qua nhà số 30 hay tự hỏi liệu có ngày nào mình được cúi đầu tạm biệt một chứng nhân vĩ đại của lịch sử dân tộc. Phố ưu tư.
Hay là đi bộ lên Hồ Tây nhé. Đường Cổ Ngư xưa bốn mùa lộng gió. Chùa Trấn Quốc, tháng ba, sen nở bát ngát như một lời hẹn thề. Chắp tay trước cửa chùa thì lòng trần nhẹ bỗng, thanh khí của trời đất đang tràn vào cơ thể. Ở trong chùa, nhìn người câu cá Hồ Tây ngoài sân cũng thấy dáng thiền.
Yêu phố ta qua và nhớ phố. Phố yêu, dù ghi nhớ hay không cũng đã tự trong lòng ta rồi. Phố đẹp lắm, biết không?
(Viết trong một mùa cơ quan sắp chuyển trụ sở:))

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

Nữ

(Old entry) - Hôm nọ ra Đinh Lễ đi tới đi lui một hồi không thể nghĩ ra cái quyển mình cần tìm, từ tên sách đến tên tác giả bị xóa trắng. Lơ ngơ xem xem lật lật một hồi rồi về, kết thúc một ngày thường.
Về nhà nghĩ nếu cái Nữ mà còn làm ở Đinh Lễ thì mình đã nhớ ra tên quyển đấy rồi, không đến nỗi lú lẫn vậy.
Bỗng nhớ nó
Những ai hay lên Đinh Lễ sẽ gọi nhà số 5B là nhà sách Mão. Nằm trong 1 ngõ nhỏ ẩm ướt, đi lên cầu thang rẽ phải 2 lần là chỗ bà Mão ngồi thu tiền, trước cửa phòng sách khoa học kỹ thuật, bên cạnh 1 điện thoại bàn và 1 cô kế toán ngồi viết hóa đơn, xung quanh hai người treo lòng thòng lịch và các kiểu sách.
Cầu thang rẽ trái là 2 phòng đối diện nhau, phòng văn học VN và văn học dịch, đi sâu bên trong là phòng sách thiếu nhi, trong nữa là một phòng gì đó có để đầu DVD để mấy đứa nhân viên vào thử đĩa kèm sách cho khách.
Nữ phụ trách 2 phòng sách văn học. Sinh 81, quê chùa Hương, học cái gì lâm nghiệp rồi đi bán sách thuê cho nhà bà Mão, lương cách đây 3 năm là 700 nghìn, cộng cả làm thêm giờ khoảng 1 triệu bao gồm cả khuân vác, xếp sách, chọn sách từ sáng sớm đến tối khuya, đêm ngủ úp thìa trên sàn gỗ cùng 2 chục đứa khác hoặc nằm trên sách trong những căn phòng nồng nặc mùi mực in bốn bề vây xung quanh là sách chất cao tận trần.
Tôi quý Nữ vì nó là đứa thông minh, khéo léo và ham đọc sách. Đám nhân viên ở đấy bị cấm đọc nhưng Nữ hay ngủ ngay tại phòng sách để đọc trộm. Nó đọc tương đối vì thế mà nhớ như in vị trí hàng trăm đầu sách và biết cách tư vấn. Đội phát hành sách cũng vì nể nó bởi mỗi lần mang sách lên giao thì bà Mão thường hỏi Nữ xem đã hết chưa, nếu nó bảo còn nhiều là bọn kia lại phải mang về. Một thời gian khá lâu tôi chọn theo sự hướng dẫn của nó.
Theo lời Nữ thì bà Mão là người đầu tiên bán sách tư nhân ở cái phố này nên những người mua sách quen cứ thế mà tìm đến. Có lần tôi dẫn một anh HN lên chỗ này, anh đó chắc lưỡi nói mìn ở đây từ bé mà không biết. Có lần tôi còn gặp Joe đi với một cô gái. Tôi gọi Joe về viết blog đi, cậu cãi: không phải, em họ. Vài hôm sau thì đọc được bài của Joe về hiệu sách này:)
Là đứa thông minh, cái Nữ nhìn ra những bất cập trì trệ trong việc kinh doanh ở đây. Nó đề xuất việc kiểm kê, dùng phần mêm exel kiểm soát đầu vào đầu ra nhưng ông bà chủ đã già,có mỗi một cô con gái bé, lại có quá nhiều kho sách ở khắp nơi trong thành phố nên vẫn bán theo kiểu thủ công
Dù biết việc thì Nữ chỉ là lao động phổ thông trong thành phố mấy triệu dân này. Những cuốn sách nó đọc làm cho nó mơ ước nhiều hơn những gì nó đang có, tôi cũng không biết điều đó là tốt hơn hay xấu hơn. Mệt mỏi vì làm việc quần quật, có lúc nó đã định về quê lấy một cậu nông dân tham gia xã đoàn. Nhưng cũng như nhiều cô gái nông thôn khác bị shock văn hóa ngược, nó lại ở lại đó. Tôi chỉ chỗ cho nó đi học tiếng Anh buổi tối miễn phí nhưng rồi nó không theo được vì phải làm việc.
Một thời gian sau khi tôi đi vắng Nữ nhắn tin nó đã mua xe máy, bây giờ đi làm thu ngân ở nhà hàng Ngự Bình. Về HN, có lần tôi tìm đến một nhà hàng ăn uống trên đường HQV gọi mãi mà nó bận không ra được. Tôi đành đi về, mải miết tuần tự lo những vấn đề của riêng mình từ đấy không gặp nó, điện thoại cũng thay số.
Không có Nữ, tôi không đi qua một hành lang tối om và những bậc cầu thang ẩm thấp trong con ngõ khai um để đi lên nhà sách Mão, bỏ luôn thói quen đọc cọp trong những chiều cuối tuần tẻ nhạt. Tôi xem sách dưới đường, đôi khi nhặt sai và lãng phí. Thế giới của tôi chẳng đổi thay, chỉ đôi khi nhớ nó - con bé bán sách có nụ cười cởi mở cũng giống như bao người khác chưa gặp cơ hội của mình trong cuộc đời này - Chẳng biết giờ nó quẫy đạp nơi nào.

Không đề

Bạn gửi cho cái link này:
http://vnexpress.net/GL/Vi-tinh/Giai-tri/2009/05/3BA0E7A2/
Ngẫm lại mình, trên diễn đàn thì ngon. Còn ở blog thì thỉnh thoảng có nhắc những bạn rất thân thiết về việc bạn sai chính tả. Mỗi một lần nhắc là mình đắn đo ghê lắm đấy, sợ bạn bảo mình tinh vi bới lông tìm vết khoe chính tả nha, có khi suy nghĩ mấy ngày quay lại vẫn còn nguyên mới rụt rè vào nhắc. Chỉ mong bạn hiểu, mình nhắc bạn viết đúng chính tả trước tiên để mình đỡ bứt rứt sau đó để văn bản của bạn đẹp hơn mà thôi.

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2009

Vàng


Ta nói từ trước giờ chỉ đọc blog không có duyên đọc báo nên không có biết giá cả ra sao. Nhưng chiều nay họp Đảng cuối năm bạn bảo vàng lên đâu cỡ gần 25 mà ta muốn té, thiệt chứ ngồi họp mà đau khổ vô chừng. Nhớ lại cách đây cỡ năm rưỡi nghe ti vi vàng xuống có hơn 16 ngừi ta nô nức đi bán vàng ta chép miệng nếu (nằm mơ) có tiền ta mua ồ ạt ngay á. Nói thế mà mí bạn ngồi cạnh cười ta bẩu thiên hạ đi bán seo ta mua làm giề. Có điều trời chẳng chiều lòng người hiền (tài) sau đợt đó ta chẳng những không có tiền đi mua mà còn phải vay về bán với giá bèo bọt á. Giờ này một tháng ta khâu miệng lại chưa mua được 2 chỉ vàng nên ta nhìn ra ngoài phòng làm việc mà trời đất cuối thu nó tối đen như cái tiền đồ của ta á. Các tình iu đọc đến đây hẳn mỉm cười nhưng mà trong lòng ta tê tái vô biên đó.

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009

Cái ti vi

Tối qua chat với bạn làm mình hoài cổ rồi nha.
(2005) - Cái ti vi đen trắng, vỏ màu nâu bằng nhựa có những vân vân giống như bằng gỗ bố mua về sau khi nhà bán con lợn tạ. Buổi chiều bán lợn, buổi tối muộn bố đi đâu về, nói với mẹ như thế, như thế...Có 2 nhà bán ti vi đen trắng, họ thêm tiền mua ti vi giải mã ( Những năm ấy ở HP có hàng tàu Nhật về, giải mã đi là được ti vi màu, lòe loẹt như tranh dân gian Đông Hồ ấy). Và bố đã chọn cái này, chắc là nó có tên, giống như điện thoại bây giờ có tên 02, nhưng tên nó bây giờ thì chịu, may chăng chỉ có bố là nhớ.

Tivi có một cái núm to để chuyển kênh, bên dưới có 3 núm nhỏ, 1núm chỉnh sáng tối, 1 núm chỉnh âm thanh, còn 1 cái nữa chỉnh cái gì quên rồi. Hồi đó chỉ xem có 2 kênh thôi, mỗi lần chuyển kênh bật xoay cái núm to kêu cành cạch, cành cạch. Đài HP kênh 10, đài TƯ kênh 12. Sau một thời gian HP có thêm kênh 10 VHF thế là có thêm 1 kênh, cành cạch, cành cạch.

Thế là nhà có ti vi. Cái câu vang vang này mang lại niềm vui như thế nào nhỉ, giống như mình có đt di động, không , vui hơn, giống như có ai đó đang thích mình, mà mình cũng thấy người ấy rất đáng yêu.. Có lần đi xem nhờ, bị chó hàng xóm đuổi chạy té khói, rồi có lần ngủ quên, hết phim phải dậy đi về nhà, cứ hậm hực vì đang ngủ dở mắt. Tính ra cũng xem được bao nhiêu phim hay, đến bây giờ vẫn nhớ: Angiêlic, Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân, Tất cả các dòng sông đều chảy, Nôtỳ I sau ra...

Có một cái ti vi trong nhà giống như có thêm một người bạn, những mùa hè sông Đà hết nước, chỉ có ti vi đen trắng mới chạy được ắc quy, cả xóm sang xem nhờ. Nó thấy mình quan trọng, lấy ghế cho người này, trải chiếu cho người kia, chuyện nở ngô rang, nó học cách chung sống cùng nhau trong cộng đồng, tình cảm gắn bó tha thiết. Không như nhà cái ông gì đầu ngõ, hồi nó còn bé quá, vào xem, rụt rè, ông gọi lại hỏi mày con cái nhà ai, tao mất bao tiền mua cái ti vi mà không được một câu cháu xem nhờ à. Hí hí.

Tới khi H đi học ĐH, em mang cái ti vi đó lên cho có phương tiện nghe nhìn, đời SV có thêm thông tin là quý lắm. Cái TV đen trắng vẫn kiên cường sống cuộc đời đen trắng. Lần lâu rồi chuyển nhà T bảo vứt đi chị nhé, vứt đi đỡ phải mang nặng lắm. T cứ dỗ mình vứt nó đi giống như đã từng vứt một cái chăn bông cũ của mình từ trên tầng 5 KTX. Nhưng cái ti vi này không giống một cái chăn bông, chị giữ nó lại như giữ một đồ vật thân thiết thời thơ ấu, sau này chị có già đi vẫn nhớ có 1 cái ti vi đen trắng đã từng đồng hành.
Giống như bây giờ xem bóng đá, chị hay nhớ giọng một BLV xưa vang vang " Trên màn hình đen trắng của các bạn các cầu thủ đội A mặc áo sáng màu, quần và tất sẫm màu....."

Update: Ti vi này tôi đã cho rồi, một người quen hỏi xin để bày trong ngôi nhà mới. Giờ đây ngồi đọc những dòng này tôi ngậm ngùi mình nông nổi. Cuộc đời thật lạ, có những thứ tôi luôn muốn giữ bên mình mà bỗng chốc buông tay dù chẳng có lý do gì. Không biết khi tôi có nhà mới định xin lại người ta có trả không nhỉ?

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2009

Chém gió

Chung kết Sao mai điểm hẹn khu vực phía Bắc đang diễn ra trên tivi. Tình cờ bật tivi có phần e ngại, người xem bây giờ sắp bội thực các cuộc thi ca nhạc mang nhiều tính giải trí, thương mại và một chút dễ dãi.
Nhưng thật may là chương trình hôm nay rất là hay nhé. Tất cả các bạn thí sinh đều rất đẹp, sáng sủa và bắt mắt. Tất nhiên là trong một cuộc thi hát thì tiêu chí gì là đầu tiên? nhưng hãy thử nhìn trường hợp Hà Anh hay Vương Dung các năm trước xem bây giờ họ trôi nổi đâu rồi? Ban tổ chức năm nay chắc cũng rút kinh nghịm, chọn toàn các bạn có thanh sắc, hy vọng các bạn sẽ trở thành sao bự của làng giải trí. Cuộc thi này toàn các bạn học Nhạc viện hay chí ít cũng các trường nghệ thuật chuyên nghịp ra nên xem đỡ sợ hẳn như kỉu Idol. Có bạn Tôn Thất Thái Sơn là con nhà nòi với mấy bạn nữ nữa xinh như diễn viên Hàn Quốc; các bạn cứ hoạt động trong môi trường ca hát chiên nghịp đi một hai năm nữa không lên TOP được các bạn đi đóng phim với Vũ Ngọc Đãng được, tớ động viên chân thành thiện chí á. Có một bạn hát bài của Phó Đức Phương lượt một biên dịch sang tiếng dân tộc lun, giọng bạn hay và bạn thật giỏi á. Tớ rất là thích các bạn.
Truyền hình Việt Nam năm nay có vẻ làm cẩn thận sạch sẽ xứng tầm với một cuộc thi nhạc nhẹ có uy tín, không như năm trước mang cả ra ngoài đường mà làm cứ như một cuộc thi xiếc á. Tớ có linh cảm rằng chung kết miền Bắc đã tập hợp hay nhất những giọng hát của Sao mai năm nay rồi.
Vui vì có cái để xem.